1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ - Trung đối đầu căng thẳng tại Liên Hợp Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Căng thẳng Mỹ - Trung “phủ bóng” cuộc họp trực tuyến của Liên Hợp Quốc khi hai nhà lãnh đạo đưa ra những tuyên bố cứng rắn nhằm vào nhau thông qua các bài phát biểu.

Mỹ - Trung đối đầu căng thẳng tại Liên Hợp Quốc - 1

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 22/9. (Ảnh: UN)

Trong các bài phát biểu được chuẩn bị từ trước và phát qua video tại cuộc họp trực tuyến của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 75 ngày 22/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra những tầm nhìn hoàn toàn khác biệt về trật tự thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát.

Ông Trump chỉ trích Trung Quốc

Tổng thống Mỹ công khai chỉ trích Trung Quốc trong bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc, cáo buộc Bắc Kinh lây lan virus corona ra toàn thế giới và làm ô nhiễm môi trường mà không bị trừng phạt.

“Chúng ta đã phát động một cuộc chiến khốc liệt nhằm chống lại kẻ thù vô hình: virus Trung Quốc. Chúng ta phải buộc quốc gia này chịu trách nhiệm vì đã làm lây lan dịch bệnh ra toàn thế giới”, ông Trump nói.

Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi WHO vào đầu năm nay, sau khi đổ lỗi cho cơ quan này thiên vị Trung Quốc.  

Trong bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc, ông Trump cho biết “chính phủ Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố sai sự thật rằng không có bằng chứng virus corona truyền từ người sang người”. Ông Trump cho biết Trung Quốc còn “tuyên bố sai lầm rằng người không có triệu chứng sẽ không làm lây lan vi rút”.

“Liên Hợp Quốc cần buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho những hành động này của họ", ông Trump phát biểu.

Phát biểu của ông Trump được đưa ra sau khi Đại học John Hopkins công bố con số thống kê cho thấy, số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ đã vượt 200.000 người và đang đứng đầu thế giới.

Tổng thống Trump cũng cáo buộc Trung Quốc xả “hàng triệu” tấn rác thải xuống các đại dương, đánh bắt cá ồ ạt và làm ô nhiễm bầu không khí của thế giới. Trong khi đó, ông chủ Nhà Trắng cũng phải đối mặt với làn sóng chỉ trích ở trong nước vì những động thái làm suy yếu các cơ chế bảo vệ môi trường toàn cầu.

“Những ai công kích nỗ lực bảo vệ môi trường hiếm có của Mỹ, trong khi phớt lờ vấn đề ô nhiễm quá mức của Trung Quốc, thực chất không quan tâm tới môi trường. Họ chỉ muốn trừng phạt Mỹ”, ông Trump nói thêm.

Ông Tập: "Không nước nào được làm bá chủ thế giới"

Mỹ - Trung đối đầu căng thẳng tại Liên Hợp Quốc - 2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 75. (Ảnh: EPA)

Trong khi đó, bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tập trung kêu gọi chủ nghĩa đa phương, hòa bình và hợp tác.

Mặc dù không đề cập tới Mỹ, song ông Tập Cận Bình cảnh báo các hành vi bôi nhọ, kêu gọi ủng hộ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một cơ quan của Liên Hợp Quốc, trong việc dẫn dắt thế giới vượt qua đại dịch.

“Chúng ta nên tuân thủ chỉ dẫn về khoa học, ủng hộ vai trò dẫn dắt của WHO và khởi động việc ứng phó quốc tế chung với đại dịch. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm chính trị hóa vấn đề này hoặc bôi nhọ đều phải bị ngăn chặn”, ông Tập nói.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi các nước tỉnh táo để tránh vấn đề toàn cầu hóa, cho rằng các nước nên tôn trọng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trước đó, giới chức Mỹ đã lên tiếng chỉ trích sau khi WTO ngày 15/9 ra phán quyết kết luận việc Washington áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc là phạm luật. 

Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng không quốc gia nào "được phép làm bất kỳ điều gì họ thích, trở thành bá chủ, kẻ bắt nạt hoặc ông chủ của thế giới".

“Không được phép có những hành vi theo chủ nghĩa biệt lệ hoặc tiêu chuẩn kép. Luật pháp quốc tế cũng không nên bị xuyên tạc và lợi dụng như một cớ để gây tổn hại các quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia khác hoặc hòa bình và ổn định thế giới", ông Tập nói.

Ông Tập nhấn mạnh Liên Hợp Quốc cần tiếp tục củng cố luật lệ và các nước lớn nên “làm gương” trong việc ủng hộ và thực thi luật pháp quốc tế, đồng thời tôn trọng các cam kết của họ. Trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc, ông Tập cũng thông báo kế hoạch thúc đẩy các mục tiêu môi trường của Trung Quốc theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi cách mạng xanh.  

Việc đưa ra những tuyên bố công kích không phải chuyện mới xảy ra giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung. Tuy nhiên đây là tín hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng lún sâu vào căng thẳng kể từ khi dịch Covid-19 khởi phát ở Vũ Hán vào cuối năm ngoái. 

Chiến tranh Lạnh Mỹ - Trung?

Các chuyên gia cho rằng Mỹ và Trung Quốc đang sử dụng các bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc như một hình thức để gửi thông điệp chỉ trích lẫn nhau.

Pang Zhongying, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Toàn cầu tại Bắc Kinh, dự đoán Tổng thống Trump sẽ tiếp tục cứng rắn hơn với Trung Quốc và đây là một phần trong nỗ lực tái tranh cử của ông Trump.

“Năm nay, ông Trump đã có đủ đạn để tập trung khai hỏa vào Trung Quốc. Sẽ có thêm bài phát biểu cứng rắn hơn khi ông ấy tiếp tục tấn công Joe Biden. Ông ấy sẽ biện minh cho việc rút khỏi WHO và những lo ngại về việc các cơ chế đa phương thiên vị Trung Quốc, thậm chí cho rằng Trung Quốc kiểm soát các cơ chế này”, chuyên gia Pang nhận định.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun đã bác bỏ các cáo buộc của Tổng thống Trump nhằm vào Trung Quốc trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc. Ông Zhang cho rằng đây là những cáo buộc “vô căn cứ”, đồng thời khẳng định “những lời nói dối được lặp lại một nghìn lần thì vẫn là những lời nói dối”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo thế giới đang “dịch chuyển theo hướng rất nguy hiểm” với căng thẳng Mỹ - Trung.

“Chúng ta phải làm tất cả mọi thứ để tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Thế giới của chúng ta không thể đối mặt với một tương lai mà hai nền kinh tế lớn nhất chia tách toàn cầu bằng một Vết nứt Lớn, trong đó mỗi bên đưa ra quy tắc tài chính và thương mại cũng như có năng lực Internet và trí tuệ nhân tạo riêng. Sự chia rẽ về công nghệ và kinh tế chắc chắn có nguy cơ dẫn tới sự chia rẽ về địa chiến lược và quân sự. Chúng ta phải tránh điều đó bằng mọi giá”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm