1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chính sách của Mỹ trên biển Đông từ năm 1995 đến nay – Kỳ 4:

Mỹ - Trung có kình địch vì biển Đông?

Nếu Biển Đông trở thành vấn đề chính trong mối quan hệ song phương Mỹ - Trung, nhiều khả năng nó sẽ là dấu hiệu báo trước sự kình địch hơn nữa giữa hai nước trong vấn đề an ninh khu vực.

LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu Phần cuối Nghiên cứu Chính sách của Mỹ đối với tranh chấp tại biển Đông từ 1995 (*) của M. Taylor Fravel. Tác giả là PGS Khoa học chính trị và là thành viên của Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts.

Cùng với sự thay đổi trong các tuyên bố chính sách đối với Biển Đông, Mỹ cũng củng cố mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự của mình với các quốc gia ven biển. Mặc dù hoạt động này phần nào đã bắt đầu từ trước, song từ sau năm 2010 Mỹ bắt đầu tăng cường nhịp độ củng cố quan hệ với cả Việt Nam và Philippines. Mối quan hệ hợp tác này bao gồm cả đối thoại về quốc phòng và an ninh, thăm và tập trận hải quân.

Việt Nam

Mối quan hệ Mỹ - Việt đã được củng cố từ trước khi xuất hiện diễn biến căng thẳng gần đây nhất trên Biển Đông. Nhìn chung, các hoạt động này thể hiện sự phát triển trong mối quan hệ giữa hai nước sau quyết định bình thường hóa quan hệ năm 1995.

Từ năm 2008, hai nước đã tổ chức một cuộc đối thoại chính trị, an ninh và quốc phòng hàng năm ở cấp thứ trưởng bộ ngoại giao. Trong khuôn khổ cuộc đối thoại diễn ra năm 2010 Mỹ bắt đầu thảo luận về việc hình thành mối quan hệ hợp tác chiến lược với Việt Nam.

Tháng 7/2013, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Mỹ, hai nước đã tuyên bố thiết lập "mối quan hệ hợp tác toàn diện," lấy đây là khuôn khổ để phát triển mối quan hệ song phương giữa hai nước. Các lĩnh vực hợp tác gồm có quan hệ chính trị và ngoại giao, kinh tế và thương mại, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, sức khỏe và môi trường, các vấn đề di chứng chiến tranh giữa hai nước, quốc phòng và an ninh, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, văn hóa, thể thao và du lịch.

Các quan hệ khác cũng bắt đầu được củng cố. Năm 2010, Mỹ và Việt Nam bắt đầu tổ chức các cuộc đối thoại hàng năm về chính sách quốc phòng. Song song với đối thoại công nghệ, hai nước cũng bắt đầu một loạt các chương trình mà Lầu Năm Góc gọi là "các hoạt động giao lưu hải quân," đây là một chuỗi các hoạt động trao đổi và tập trận ở cấp thấp.

Cuối cùng tháng 9/2011, Mỹ và Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ về Thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương để hệ thống hóa các hoạt động và trao đổi đang diễn ra giữa hai nước.
Tập trận chung Mỹ - Philippines, Balikatan (ảnh: AP)
Tập trận chung Mỹ - Philippines, Balikatan (ảnh: AP)

Philippines

Mỹ luôn duy trì quan hệ bền vững với Philippines dù đã rút toàn bộ lực lượng khỏi nước này sau khi Vịnh Subic đóng cửa. Cụ thể, từ năm 1991, hàng năm Mỹ và Philippines đều có các cuộc tập trận chung dưới tên gọi tập trận Balikatan. Ngoài ra, do lo ngại về nguy cơ khủng bố sau sự kiện ngày 11/9, Mỹ và Philippines đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chống nổi dậy. Tuy nhiên, từ cuối những năm 2000, khi căng thẳng trên Biển Đông bắt đầu leo thang, Mỹ và Philippines đã tăng cường cấp độ hợp tác ngoại giao chung, cũng như hợp tác trên biển.

Nhìn lại, năm 2011 dường như là bước ngoặt trong mối quan hệ Mỹ - Phi. Tháng 1/2011, Mỹ và Philippines lần đầu tiên tổ chức "đối thoại chiến lược song phương" với sự tham gia của các quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao hai nước.

Tháng 5/2011, Mỹ đồng ý bán tàu tuần tra Bảo vệ Bờ biển lớp Hamilton cho Philippines, tàu này sau đó đã trở thành soái hạm BRP Gregorio del Pilar của lực lượng hải quân Philippines. Tháng 11/2011, để kỷ niệm 60 năm quan hệ đồng minh, Mỹ và Philippines đã đưa ra "Tuyên bố Manila" tái khẳng định hiệp ước là cơ sở của mối quan hệ song phương giữa hai nước.

Bản thân tuyên bố này có nhắc đến sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh trên biển, trong đó có nhắc đến mối quan tâm chung đến vấn đề tự do hàng hải, giải pháp hòa bình trong tranh chấp và theo đuổi "tiến trình ngoại giao, đa phương và hợp tác." Trong thời gian ký tuyên bố, khi nhắc đến nhà vô địch đấm bốc Manny Pacquino, Ngoại trưởng Clinton phát biểu "cho phép tôi được nói rằng nước Mỹ sẽ luôn ủng hộ Philippines. Chúng tôi sẽ luôn sát cánh với các bạn để đạt được tương lai mà chúng ta tìm kiếm."

Cuối cùng, tháng 1/2012, cuộc Đối thoại Chiến lược Song phương thứ hai đã được tổ chức và theo sau đó vào tháng 4/2012 lần đầu tiên các cuộc nói chuyện "2+2" ở cấp bộ trưởng với sự tham gia của các quan chức ngoại giao và quốc phòng cấp cao đã diễn ra. Các cuộc nói chuyện ở cấp bộ trưởng này nhấn mạnh đến hoạt động hợp tác giúp Philippines xây dựng "thế phòng thủ đáng tin ở mức tối thiểu" cùng với việc phát triển nhận thức trong các lĩnh vực trên biển.

Kể từ đó, các cuộc đối thoại đã được tổ chức xoay quanh vấn đề tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước này trên cơ sở luân phiên, song thỏa thuận cuối cùng chưa được đưa ra. Cuối cùng, tháng 12/2013, Mỹ tuyên bố triển khai một chương trình ba năm, trị giá 40 triệu đô-la nhằm giúp Philippines tăng cường nhận thức về các lĩnh vực trên biển.

Tương lai

Trong bốn năm qua, chính sách của Mỹ đối với Biển Đông đã có nhiều thay đổi nhằm đáp lại tình trạng căng thẳng gia tăng trong các cuộc tranh chấp tại đây, cụ thể là đáp lại các hành động của TQ.

TQ là bên có năng lực trên biển mạnh nhất trong tất cả các bên có tranh chấp, và lại là bên tuyên bố có chủ quyền đối với tất cả các thực thể ở Biển Đông, cũng như duy trì sự nhập nhằng liên quan đến ý nghĩa và tình trạng pháp lý của "đường chín đoạn". Do vậy, chính sách của Mỹ chủ yếu là để đáp lại hành động của TQ, hơn là đáp lại hành động của bất kỳ bên tranh chấp nào khác.

Bằng việc cân bằng sự chú ý ngày càng nhiều hơn đến việc giải quyết tranh chấp với nguyên tắc trung lập trong vấn đề chủ quyền, Mỹ đang cố gắng không để Biển Đông trở thành vấn đề trung tâm hay chủ đạo trong mối quan hệ giữa mình và TQ. Cho đến nay, chính sách của Mỹ đã thành công trong việc này.

Tuy vậy, nếu Biển Đông trở thành vấn đề chính trong mối quan hệ song phương Mỹ - Trung, nhiều khả năng nó sẽ là dấu hiệu báo trước sự kình địch hơn nữa giữa hai nước trong vấn đề an ninh khu vực.

Trong tương lai không phải dài hạn thì cũng là trung hạn, Biển Đông sẽ vẫn là vấn đề trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Điều khả dĩ nhất có thể đạt được có thể là một thỏa thuận duy trì nguyên trạng kiểm soát tại các thực thể, và các biện pháp làm giảm bớt sự nổi cộm của vấn đề quyền tài phán trên biển, bên cạnh bộ quy tắc ứng xử, như các thỏa thuận hạn chế đánh bắt cá ở các vùng nước đang có tranh chấp.

Nhưng các nỗ lực khẳng định tuyên bố chủ quyền không ngừng của TQ và các bên tranh chấp khác có thể sẽ đưa đến những giai đoạn căng thẳng gia tăng, điều này đến lượt sẽ làm tăng thêm nhu cầu tiếp tục tham gia vào các nỗ lực quản lý căng thẳng của Mỹ.

Vai trò của Biển Đông trong mối quan hệ Mỹ - Trung rất khó dự đoán, bởi nó phụ thuộc cơ bản vào diễn tiến của các cuộc tranh chấp. Nếu Mỹ đứng về các bên tranh chấp khác trong thế đối nghịch với TQ, không chỉ trong tiến trình giải quyết mà còn trong các vấn đề căn bản, thì khi đó tranh chấp Biển Đông sẽ chiếm vai trò lớn hơn nữa trong mối quan hệ giữa hai nước và trở thành yếu tố tăng nặng sự kình địch giữa hai nước.

Theo Hà Trang (lược dịch theo RSIS)
Vietnamnet

(*) Tên tiếng Anh của Nghiên cứu là "U.S. Policy Towards the Disputes in the South China Sea Since 1995". Tiêu đề các phần chuyển ngữ do Tuần Việt Nam đặt.