1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chính sách của Mỹ trên biển Đông từ năm 1995 đến nay – Kỳ 3:

Biển Đông: Khi Mỹ chỉ đích danh Trung Quốc gây căng thẳng

Giống như tuyên bố hồi tháng 8/2012, phiên điều trần tháng 2/2014 của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Daniel Russel nêu đích danh Trung Quốc (TQ) là bên có hành động gây căng thẳng trong khu vực.

LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu Phần 3 Nghiên cứu Chính sách của Mỹ đối với tranh chấp tại biển Đông từ 1995* của M. Taylor Fravel. Tác giả là PGS Khoa học chính trị và là thành viên của Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts.

2012: Sự kiện bãi cạn Scarborough và cái gọi là thành phố Tam Sa

Năm 2012, chính sách của Mỹ có thay đổi đôi chút. Nguyên nhân gần nhất là cuộc giằng co giữa TQ và Philippines tại bãi cạn Scarborough, sự kiện này sau đó đã dẫn tới việc lần đầu tiên ASEAN không thể đưa ra một tuyên bố chung trong lịch sử 45 năm hoạt động của mình.

Đầu tháng 4/2012, cuộc giằng co giành quyền kiểm soát bãi cạn bắt đầu nổ ra sau khi hải quân Phillippines bắt giữ những ngư dân TQ đang đánh bắt ở phá của bãi cạn. Cuối tháng 5/2012, Mỹ đứng ra làm trung gian để hai bên đi đến thống nhất rút các lực lượng của mình, nhưng đầu tháng 6, TQ lại không giữ cam kết; ngay khi tàu của Philippines rời đi, tàu của nước này đã quay trở lại bãi cạn.

Khi Philippines cố gắng đưa sự kiện Scarborough vào tuyên bố chung của ASEAN trong hội nghị các bộ trưởng diễn ra vào tháng 7/2012, TQ đã gây áp lực buộc Campuchia từ chối yêu cầu của Philippines, dẫn đến việc không đưa ra được tuyên bố chung nào.

Mùa xuân và mùa hè năm 2012, có thêm nhiều lý do khác, liên quan đến hành vi của TQ khiến căng thẳng ở Biển Đông gia tăng. Tháng 6/2012, TQ tuyên bố nâng cấp tình trạng hành chính của các đảo ở Biển Đông bằng cách thành lập một thành phố cấp địa khu, cái gọi là thành phố Tam Sa, trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trong khuôn khổ thay đổi hành chính này, PLA lập một đơn vị đồn trú mới, chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng trên đảo.

Tháng 6/2012, Việt Nam ban hành luật biển quốc gia, trong đó nêu rõ tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tiến hành nhiều hoạt động quân sự khác.

Đáp lại những sự kiện này, đặc biệt là hành động của TQ, Mỹ một lần nữa nêu rõ chính sách của mình. Đầu tháng 8/2012, Mỹ đưa ra một tuyên bố chính sách mới về Biển Đông. Tuyên bố này được Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao đưa ra. Tuyên bố nhắc lại mối quan tâm của Mỹ đến hòa bình và sự ổn định, và lưu ý về tình trạng căng thẳng đang gia tăng.

Cụ thể, không giống như các tuyên bố trước đó, tuyên bố này chỉ rõ TQ, trong đó nhắc đến các hoạt động của nước này quanh khu vực bãi cạn Scarborough và việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa. Như vậy, Mỹ dường như đã có xu hướng tham gia chủ động hơn vào cuộc tranh chấp và có thể lựa chọn nghiêng về một bên trong tranh chấp. Tuyên bố này cũng nhắc lại các yếu tố khác trong chính sách của Mỹ, bao gồm việc khuyến khích đưa ra một bộ quy tắc ứng xử, làm rõ các tuyên bố chủ quyền và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp. Tuy nhiên, sau tuyên bố tháng 8/2012, Mỹ không nhắc đến TQ nữa và quay trở lại nhấn mạnh những nguyên tắc chung mà các bên tranh chấp cần tuân thủ.
 
Sự kiện bãi cạn Scarborough đã gây căng thẳng trên biển Đông (ảnh: Aljazeera.com)
Sự kiện bãi cạn Scarborough đã gây căng thẳng trên biển Đông (ảnh: Aljazeera.com)

2014: "Nỗ lực tăng dần" của TQ (1)

Đầu tháng 2/2014, Mỹ đưa ra tuyên bố chính sách chi tiết nhất của mình về Biển Đông. Tuyên bố được đưa ra tại phiên điều trần quốc hội của ông Daniel Russel, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nằm trong chuỗi các buổi điều trần về chính sách "tái cân bằng" của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương. Tuyên bố chính sách này không chỉ là hành động trực tiếp đáp lại các sự kiện đang diễn ra, mà còn là kết quả tập hợp từ các phiên điều trần do Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ tổ chức.

Các nguyên nhân khiến căng thẳng leo thang gồm có việc TQ gây sức ép lên khu vực Bãi Cỏ Mây, khu vực mà hiện Philippines đang nắm quyền kiểm soát, mùa hè năm 2013 các tàu chấp pháp của TQ đã bao vây bãi này, cùng với đó là những quan ngại ngày càng khẩn thiết hơn về việc TQ có thể thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông sau khi thiết lập vùng ADIZ ở biển Hoa Đông tháng 11/2013.

Gần đây hơn, việc cập nhật quy định đánh bắt cá ở tỉnh Hải Nam tháng 12/2013 (quy định này có thể áp dụng cho Biển Đông) và lễ tuyên thệ được tổ chức công khai rộng rãi trên các tàu hải quân TQ tại khu vực bãi James Shoal, gần Malaysia hồi tháng 1/2014 lại tiếp tục làm dấy lên những quan ngại không dứt về hành vi và yêu sách chủ quyền của TQ ở khu vực.

Do vậy, phiên điều trần chỉ trích hành vi của TQ trong những năm vừa qua cho thấy "nỗ lực tăng dần của TQ trong việc khẳng định quyền kiểm soát khu vực nằm trong cái được gọi là 'đường chín đoạn.'"

Liên quan đến chính sách của Mỹ tại Biển Đông, có hai lý do khiến phiên điều trần của ông Russel đáng chú ý. Trước hết, giống như tuyên bố hồi tháng 8/2012, phiên điều trần này nêu đích danh TQ là bên có hành động gây căng thẳng trong khu vực. TQ là bên tuyên bố duy nhất được nhắc đến cụ thể như là đối tượng góp phần gây ra tình trạng bất ổn định.

Thứ hai, trong phiên điều trần, ông Russel trình bày chi tiết hơn lập trường của Mỹ rằng theo luật pháp quốc tế, "tất cả các tuyên bố chủ quyền trên biển phải xuất phát từ các thực thể, và mặt khác phải tuân thủ luật biển quốc tế." Cụ thể, ông Russel phát biểu rõ những điều đã được ngụ ý trong tuyên bố của Ngoại trưởng Clinton năm 2010, cụ thể cho rằng đường chín đoạn của TQ không phù hợp với luật pháp quốc tế và không phải là cơ sở pháp lý cho các tuyên bố về chủ quyền trên biển ở Biển Đông.

Như ông Russel đã chỉ ra, việc TQ "sử dụng đường chín đoạn dưới bất kỳ hình thức nào" để tuyên bố các quyền trên biển mà không dựa trên các thực thể có quyền là không phù hợp với luật pháp quốc tế." Thứ ba, ông Russel khẳng định Mỹ ủng hộ quyết định của Philippines trong việc nhờ trọng tài phân xử cho cuộc tranh chấp với TQ tại Tòa án Quốc tế về Luật biển, và cho rằng đây là tấm gương giải quyết tranh chấp hòa bình, không sử dụng hình thức cưỡng ép.

(Còn tiếp)

Theo Hà Trang (lược dịch theo RSIS)
Vietnamnet

*Tên tiếng Anh của Nghiên cứu là "U.S. Policy Towards the Disputes in the South China Sea Since 1995". Tiêu đề các phần chuyển ngữ do Tuần Việt Nam đặt.

(1) Trong nghiên cứu này, thời điểm được cập nhật cuối cùng là tháng 2/2014, trước khi xảy ra sự kiện Giàn khoan 981, tháng 5/2014. (Chú thích của Tuần Việt Nam).