Mỹ - Trung cạnh tranh khốc liệt trong cuộc đua tại “lục địa đen”
(Dân trí) - Các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc đã đầu tư nhiều nguồn lực để giành quyền phát triển các dự án năng lượng quy mô lớn tại Uganda cũng như các nước châu Phi và mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này.
Lớn lên ở vùng ngoại ô Ohio (Mỹ), Rajakumari Jandhyala chưa bao giờ nghĩ rằng bà sẽ làm việc trong ngành dầu khí, thậm chí còn đứng ở "chiến tuyến" trong cuộc cạnh tranh toàn cầu của Mỹ với Trung Quốc. Jandhyala dành 20 năm làm việc với vai trò cố vấn chính sách về châu Phi và gần đây nhất, bà là quan chức phụ trách viện trợ trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.
Vào năm 2016, bà Jandhyala nghe được thông tin về kế hoạch xây dựng một nhà máy lọc dầu tại Uganda và đây có thể là nhà máy lớn nhất tại Đông Phi. Jandhyala đã "tập hợp lực lượng" để tham gia đấu thầu dự án. Bà kêu gọi một nhà đầu tư ở Kenya, tuyển các giám đốc điều hành về dầu khí từ tập đoàn General Electrics. Một nhà thầu Italy cũng tham gia vào nhóm này.
Tuy nhiên vấn đề chính đặt ra trong cuộc cạnh tranh giữa các nhà thầu là có hai công ty năng lượng Trung Quốc cũng tham gia, trong đó có một công ty nhà nước Trung Quốc, vốn được xem là "gã khổng lồ" trong ngành dầu khí với sự hậu thuẫn của chính quyền Bắc Kinh.
Người dân chờ đi tàu hỏa tại thủ đô Kampala. Một hợp đồng nâng cấp hệ thống tàu hỏa tại Uganda đã được trao cho công ty Trung Quốc. (Ảnh: New York Times)
Trung Quốc đã đẩy mạnh việc tìm kiếm các khoản đầu tư và hợp đồng làm ăn trên toàn thế giới và có lẽ không nơi nào thể hiện rõ tham vọng này của Bắc Kinh hơn châu Phi. Tại châu lục này, các công ty Trung Quốc đã giành được nhiều hợp đồng xây đập thủy điện, đường sá, sân vận động, sân bay và tàu hỏa. Đây là phần trọng tâm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, dự án lên tới một nghìn tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trên toàn cầu. Chính phủ của các nước châu Phi đều vay mượn những khoản tiền lớn từ Trung Quốc để chi trả cho các dự án này.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích Trung Quốc đẩy các quốc gia vào cảnh bẫy nợ, từ đó chiếm đoạt các tài sản chiến lược của những nước này như cảng biển, đồng thời gây ra tình trạng tham nhũng. Đối phó với Bắc Kinh, Washington cũng đưa ra những sáng kiến nhằm giúp các doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài.
Tại châu Phi, các doanh nghiệp Mỹ gần như vắng bóng trong khi các công ty Trung Quốc đã đặt nền tảng và nuôi dưỡng các mối quan hệ liên minh chặt chẽ. Vụ đấu thầu của Jandhyala để giành được dự án lọc dầu trị giá 4 tỷ USD là ví dụ điển hình cho cuộc cạnh tranh mà Mỹ đang phải đối mặt với Trung Quốc trong kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng.
Các nhà thầu cạnh tranh
Bà Rajakumari Jandhyala . (Ảnh: New York Times)
Cuộc cạnh tranh này trở nên căng thẳng vào đầu năm ngoái khi Jandhyala và các lãnh đạo doanh nghiệp khác ngồi đối mặt với các quan chức Uganda, những người vốn ủng hộ các công ty Trung Quốc, trong một phòng họp trên hồ Victoria. Yoweri Museveni, vị tổng thống cứng rắn của Uganda trong 33 năm qua, đã tổ chức cuộc họp này nhằm tìm cách giải quyết mối bất hòa giữa Trung Quốc và phương Tây.
Theo bản sao báo cáo của cơ quan tình báo nội bộ Uganda mà New York Times có được, cơ quan này từng điều tra 3 quan chức được cho là đã hậu thuẫn cho nhóm đấu thầu Mỹ và nghi ngờ năng lực của nhóm này trong việc cung cấp tài chính cho dự án lọc dầu. Vụ việc này mang dấu hiệu của một cuộc đấu đá nội bộ tại Uganda.
Tổng thống Museveni ca ngợi các công ty phương Tây vì rốt cuộc đã "tỉnh giấc" ở châu Phi. Tuy nhiên nhà lãnh đạo Uganda cũng lưu ý rằng "Trung Quốc đã tỉnh giấc ở châu Phi rồi, và họ thực sự rất nhanh nhẹn và năng động".
"Vậy tại sao chúng ta không tận dụng cả hai", ông Museveni nói.
Khu vực Hồ lớn châu Phi từ lâu đã lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư vì nguồn tài nguyên phong phú tại đây. Trữ lượng dầu khí tại hồ Albert được đánh giá là nhiều nhất tại khu vực Đông Phi, đủ để làm thay da đổi thịt nhiều khu vực nghèo khó tại Uganda.
Chính quyền Museveni đã mất nhiều năm đàm phán với các công ty nước ngoài trước khi phê duyệt kế hoạch khai thác dầu khí và xây dựng đường ống ở phía đông nam nối với bờ biển Tanzania. Tại đây dầu khí sẽ được chuyển đi khắp thế giới.
Khu vực hồ Albert và Victoria. (Ảnh: New York Times)
Tổng thống Museveni muốn xây dựng một nhà máy lọc dầu ở Uganda để giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào nhiên liệu nhập khẩu. Hợp đồng thực hiện dự án ban đầu thuộc về người Nga, tuy nhiên Nga sau đó đã rút lui.
Bà Jandhyala, 53 tuổi, nghe thông tin về dự án trong một chuyến đi tới Uganda vào năm 2016. Tại Washington, bà Jandhyala đã tuyển các đối tác để thực hiện dự án đầu tiên của Yaatra Ventures, công ty do bà thành lập từ năm 2015 để đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại châu Phi.
Tuy nhiên, bà Jandhyala không phải là người duy nhất muốn nắm lấy cơ hội này. Uganda đã tiếp nhận hơn 40 đề xuất xây dựng nhà máy lọc dầu.
Một trong số các đơn vị đấu thầu là Dongsong, một công ty khai thác mỏ và thủy điện ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. Đơn vị thứ hai là Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), công ty dầu khí nhà nước lớn thứ 3 của Trung Quốc.
Cả Dongsong và CNOOC đều có văn phòng tại thủ đô Kampala của Uganda và từng hợp tác chặt chẽ trong nhiều năm với Bộ Phát triển Khoáng sản và Năng lượng Uganda. Dongsong đã xây dựng một mỏ phốt phát trị giá 620 triệu USD và một nhà máy phân bón ở đông Uganda, trong khi CNOOC là một trong 3 công ty nước ngoài từng giành được các hợp đồng khai thác dầu khí tại Uganda.
Nhóm đấu thầu của Mỹ đề xuất công ty dầu khí nhà nước Uganda và các nước Đông Phi khác có thể sở hữu tới 40% cổ phần của một công ty tư nhân mới được thành lập để xây dựng và vận hành nhà máy lọc dầu tại Uganda. Nhóm của Mỹ sẽ rót tiền cho dự án bằng cách bán cổ phần cho các nhà đầu tư kết hợp với các khoản vay.
Đề xuất của Mỹ được cho là tạo ra ít rủi ro về nợ hơn cho Uganda, tuy nhiên vẫn có những hoài nghi về khả năng của nhóm thầu Mỹ trong việc xây dựng nguồn kinh phí cho dự án. Trong khi đó, các gói thầu của Trung Quốc cam kết sẽ xuất tiền ngay lập tức từ các ngân hàng nhà nước Trung Quốc. Tại bộ năng lượng Uganda, các quan chức từ lâu cũng ủng hộ các công ty Trung Quốc.
Ưu thế của Trung Quốc
Nhà sáng lập công ty Dongsong Lu Weidong bắt tay Tổng thống Museveni năm 2013. Bà Fang Min (phải) từng là đối tác của ông Lu tại Uganda nhưng sau đó đã khởi kiện ông này. (Ảnh: New York Times)
Tại trụ sở của Dongsong ở trên một ngọn đồi phóng tầm nhìn ra thủ đô Kampala, các binh sĩ Uganda bồng súng đứng gác. Lu Weidong, nhà sáng lập của công ty này, đáp chuyến bay tới Uganda vài lần trong một năm.
Ông Lu, 50 tuổi, được xem là hiện thân cho chiến lược "hướng ngoại" của Trung Quốc, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc thiết lập các "chân rết" trên toàn thế giới. Sau khoảng thời gian tập trung vào các dự án thủy điện, Dongsong bắt đầu tìm kiếm cơ hội trong ngành khai thác khoảng sản ở nước ngoài.
Ông Lu từng là cựu lãnh đạo ngân hàng và nằm trong ban cố vấn chính sách dưới sự kiểm soát của đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông đầu tư vào Uganda sau cuộc gặp tình cờ với tổng lãnh sự Uganda ở Quảng Châu. Không lâu sau đó, ông nhận được một thỏa thuận khai thác mỏ ở quốc gia châu Phi này.
Sự xuất hiện của Dongsong ở Uganda cũng vấp phải nhiều tranh cãi.
Năm 2016, văn phòng tổng thanh tra Uganda kết luận giấy phép khai thác mỏ của Dongsong được cấp thông qua quá trình gian lận và đề xuất thu hồi giấy phép. Dongsong cũng từng bị cáo buộc gian lận trong một vụ kiện do một trong số các đối tác đầu tiên của ông Lu ở Uganda khởi xướng. Năm 2017, hai quan chức bộ tài chính Uganda bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ từ Dongsong.
Công nhân Trung Quốc và Uganda làm việc tại nhà máy thủy điện Isimba ở đông Uganda. (Ảnh: New York Times)
Tuy vậy, ông Lu vẫn khẳng định không làm điều gì sai phạm và các vấn đề pháp lý của Dongsong dường như cũng không khiến giới chức Uganda quan ngại. Họ vẫn đưa đề xuất của Dongsong cho dự án nhà máy lọc dầu vào danh sách rút gọn và tới Quảng Châu vào năm 2017 để tiến hành các cuộc thẩm vấn.
Dongsong cam kết sẽ xuất tiền từ một trong số các ngân hàng nhà nước lớn nhất của Trung Quốc để làm kinh phí xây dựng dự án tại Uganda. Mô hình này đã phổ biến ở nhiều khu vực tại châu Phi khi các khoản vay từ các ngân hàng nhà nước Trung Quốc được sử dụng để rót vốn cho các dự án xây dựng do các công ty Trung Quốc thực hiện.
Mặc dù lãi suất của các khoản vay từ ngân hàng Trung Quốc có thể thấp, song bên vay phải thanh toán trong thời hạn nhanh hơn. Điều này khiến nhiều nước châu Phi rơi vào cảnh nợ nần, trong đó có Kenya. Một ngân hàng Trung Quốc có thể nắm quyền kiểm soát một cảng ở Kenya nếu nước này không thanh toán khoản vay 3,2 tỷ USD cho dự án đường sắt do Trung Quốc rót vốn.
Mặc dù Uganda ngày càng vay nhiều hơn, song nước này vẫn đủ khả năng kiểm soát các khoản nợ. Tuy vậy, Tổng thống Museveni và các quan chức Uganda vẫn xem xét lại sự phụ thuộc của nước này vào Trung Quốc.
Sự cân bằng của Uganda
Bên trong nhà máy thủy điện Isimba (Ảnh: New York Times)
Ngoài Dongsong, các nhà chức trách Uganda cũng đưa nhóm thầu Mỹ vào danh sách rút gọn và đáp chuyến bay tới Washington để gặp bà Jandhyala và các đối tác. Một báo cáo nội bộ sau đó cho biết mặc dù đánh giá cao Dongsong hơn, song Uganda vẫn đề xuất mời cả hai nhóm thầu Mỹ và Trung Quốc tới Kampala để đàm phán. Thời điểm gặp mặt do chính phủ Uganda đặt ra là tháng 6/2017.
Tuy nhiên ông Lu khi đó đã hỏi liệu công ty Dongsong của ông có phải là nhà thầu được ưu tiên hay không và từ chối tham dự cũng như cử người tham dự. Các quan chức Uganda quyết định sẽ bước vào cuộc đàm phán cuối cùng với nhóm thầu Mỹ.
Trong khoảng thời gian đó, một bên đấu thầu khác của Trung Quốc là CNOOC đã âm thầm xuất hiện với hy vọng có thể được tham gia xây dựng dự án nhà máy lọc dầu tại Uganda.
Bà Jandhyala đã nhờ tới sự giúp đỡ của chính quyền Mỹ. Tập đoàn Đầu tư Tư nhân Nước ngoài, cơ quan tài chính phát triển của chính phủ Mỹ, không thể cam kết cho vay hàng tỷ USD như các ngân hàng Trung Quốc, song vẫn gửi thư nói rằng họ có thể cân nhắc cho vay 250 triệu USD. Bộ Thương mại Mỹ cũng xác định dự án lọc dầu nằm trong "lợi ích quốc gia" và đề nghị Đại sứ quán Mỹ tại Uganda vận động hành lang cho dự án này.
Các quan chức cấp cao của Mỹ đã đồng loạt vào cuộc. Đại sứ Mỹ tại Uganda Deborah Malac đã đề cập nhóm đấu thầu Mỹ với Bộ trưởng Năng lượng Uganda Irene Muloni. Bà Malac cũng nói chuyện với Tổng thống Museveni hơn 10 lần, trong khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross gửi hai bức thư và kêu gọi cho nhóm đấu thầu Mỹ.
Tại Uganda, tất cả các quyết định quan trọng đều phải được Tổng thống Museveni thông qua. Điều này đã trao cho Mỹ một cơ hội trước Trung Quốc. Mặc dù nhiều quan chức ngành năng lượng Uganda phản đối, song ông Museveni vẫn ủng hộ ý tưởng cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc trong ngành công nghiệp dầu khí tại Uganda và cảm thấy phấn khích với sự tham gia của tập đoàn Mỹ General Electrics.
Tháng 1/2018, ông Museveni đã triệu tập cuộc họp tại hồ Victoria và yêu cầu các quan chức ngành năng lượng ngồi lại với bà Jandhyala và các đối tác của bà. Tổng thống sau đó đã đề nghị nội các phê chuẩn và thỏa thuận được ký vào tháng 4 năm ngoái.
Abigail Grace, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Hiệp hội Mỹ Mới và từng làm việc cho Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, cho rằng các nhà ngoại giao Mỹ trên toàn thế giới nên được đào tạo để xử lý các vấn đề liên quan tới Trung Quốc.
"Đây là ví dụ cho thấy mặc dù Trung Quốc có thể chiếm ưu thế, nhưng chúng ta vẫn có thể chiến thắng nếu chúng ta hành động cùng nhau", bà Grace nhận định.
Phía Trung Quốc dường như vẫn tiếp tục tham vọng của họ. Ông Lu nói rằng ông đã lên kế hoạch mở một mỏ khai thác ở Mozambique. Tháng 9/2018, CNOOC cũng đã nhận được điều mà công ty này mong muốn khi Uganda đồng ý để CNOOC tham gia một phần trong dự án khai thác tại hồ Albert.
Thành Đạt
Theo New York Times