Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), bao gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, A-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) vừa kết thúc sáng 15-5 (theo giờ địa phương) tại Trại David thuộc bang miền Đông Marriland.
Hội nghị đã ra tuyên bố chung, theo đó Mỹ cam kết sẽ sử dụng sức mạnh
quân sự để bảo vệ các đồng minh A-rập trong trường hợp cần thiết. Theo tuyên bố chung này, Tổng thống B.Obama cam kết sát cánh và bảo vệ các đồng minh Vùng Vịnh trước mọi cuộc tấn công từ bên ngoài, cũng như tiếp tục dành "chiếc ô an ninh" của Wasington cho những nước này.
Tổng thống Mỹ B.Obama (thứ tư, từ phải sang) chụp hình cùng các lãnh đạo GCC cuối cuộc họp tại Trại David. (Ảnh: AP)
Trong cuộc họp báo sau hội nghị, ông Obama khẳng định Mỹ sẽ xem xét sử dụng sức mạnh quân sự để ngăn chặn mọi mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước GCC-gồm: A-rập Xê-út, Kuwait, Qatar, Bahrain, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) và Oman. Wasington cũng sẽ tăng cường hợp tác với các nước Vùng Vịnh trên lĩnh vực chống khủng bố, an ninh biển, an ninh mạng, buôn bán vũ khí và phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Hội nghị giữa Mỹ và Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) diễn ra trong bối cảnh hai bên đang có nhiều bất đồng xung quanh thỏa thuận hạt nhân với Iran. Trong khi Mỹ cố gắng thuyết phục rằng một thỏa thuận với Iran sẽ làm giảm nguy cơ sở hữu vũ khí hạt nhân của Tehran, đồng thời tăng cường sức mạnh cho phe ôn hòa tại Iran thì các nước Vùng Vịnh lại cho rằng nguy cơ lớn nhất ở đây không phải là vấn đề hạt nhân, mà là việc nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ thì Iran sẽ có cơ hội đổ thêm tiền vào các cuộc chiến sắc tộc, chẳng hạn như hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy Houthi tại Yemen.
Không chỉ bất đồng về chương trình hạt nhân của Iran, Mỹ và các nước Vùng Vịnh cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Một số nước A-rập đã đề nghị Mỹ ký hiệp ước an ninh để tìm kiếm sự bảo vệ của Wasington trong trường hợp các nước này bị tấn công. Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy sẽ cần phải được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, điều gần như là không thể, ít nhất là trước sự phản đối của Israel.
Các nước đồng minh Vùng Vịnh được cho là không mặn mà với hội nghị tại Mỹ này. Sự lạnh nhạt của các nước đồng minh Vùng Vịnh được thể hiện rõ qua việc chỉ có hai trong số những người đứng đầu các nước Vùng Vịnh tham dự. Ngoại trừ các quốc vương Kuwait và Qatar, 4 nhà lãnh đạo còn lại của GCC đã từ chối lời mời của Mỹ, thay vào đó cử các thái tử tham dự sự kiện.
Có thể nói, Vùng Vịnh nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung đã, đang và sẽ tiếp tục là điểm nóng về an ninh, đe dọa đến các lợi ích quốc gia của Mỹ. Cả 6 nước thành viên GCC tuy có diện tích lãnh thổ nhỏ bé song lại có vị thế địa chính trị rất quan trọng đối với chính sách an ninh của Mỹ ở Trung Đông. Đây cũng là nơi đặt các căn cứ không quân và hải quân thuộc Bộ tư lệnh Trung tâm của Mỹ, trong đó có Hạm đội 5 đóng ở Bahrain.
Trên thực tế, mối quan hệ giữa Mỹ và các nước Vùng Vịnh hiện nay được xem là “hai bên cùng có lợi”. Việc tăng cường quan hệ an ninh giữa hai bên sẽ cho phép Mỹ củng cố thế chiến lược, đồng thời ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và lợi ích của Wasington. Trong khi đó, các nước trong khu vực cũng coi Mỹ, với một lực lượng quân sự hùng hậu với 35.000 binh sĩ, 10 khẩu đội tên lửa Patriot cùng một loạt các cơ sở hải quân tại đây, là đối tác an ninh không thể thay thế vào thời điểm hiện tại.
Chính vì thế, Mỹ không thể không tìm cách trấn an đồng minh ở khu vực này. Tại buổi họp báo sau hội nghị, nhà lãnh đạo Mỹ đã "xoa dịu" tâm lý lo ngại của các nước A-rập Vùng Vịnh rằng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Iran sẽ không làm gia tăng nguy cơ Tehran gây bất ổn tại khu vực này. Thậm chí, Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes còn khẳng định, Wasington sẵn sàng xem xét ý tưởng trao cho các quốc gia GCC quy chế đồng minh chủ chốt ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, giới chức Nhà Trắng cũng tuyên bố việc cam kết an ninh với các nước Vùng Vịnh không nhằm bao vây và cô lập Iran.
Theo các nhà quan sát, dù hai bên không thể đi đến một hiệp ước phòng thủ chung, nhưng cam kết của Wasington cũng đã phần nào đáp ứng được kỳ vọng của các nước Vùng Vịnh tại hội nghị nhằm trấn an các đồng minh về tác động của thỏa thuận mà Mỹ và một số cường quốc khác đang xúc tiến với Iran.
Phát biểu sau hội nghị, Ngoại trưởng A-rập Adel al Jubeir đã gọi đây là một sự kiện vô tiền khoáng hậu, đưa quan hệ Mỹ và Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) lên một cấp độ hoàn toàn khác trong nhiều thập kỷ tới, trong khi Tổng thống Obama khẳng định mối quan hệ tổng thể giữa Mỹ và các nước Vùng Vịnh đang bước vào một kỷ nguyên mới dựa trên quan hệ quốc phòng vững mạnh.
Theo Ngọc Hà
Quân đội Nhân dân