1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ tính trang bị tên lửa siêu thanh lên chiến hạm đối phó Trung Quốc

Thành Đạt Đức Hoàng

(Dân trí) - Cuộc đua giữa Mỹ - Trung Quốc nhằm nâng cao năng lực hải quân được xem sẽ nóng lên trong bối cảnh Mỹ tính đưa tên lửa siêu thanh lên các tàu chiến, nhằm vượt mặt tên lửa chống hạm Trung Quốc.

Mỹ tính trang bị tên lửa siêu thanh lên chiến hạm đối phó Trung Quốc - 1

Một tàu khu trục Mỹ (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Defense News dẫn lời cố vấn an ninh quốc gia Tổng thống Mỹ Donald Trump Robert O’Brien cho hay Washington sẽ trang bị tên lửa siêu thanh lên các tàu ngầm tấn công và khu trục hạm nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng liên quan tới Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Tuyên bố này được đưa ra sau phát biểu hồi đầu tháng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper rằng hải quân Mỹ sẽ cần hơn 500 chiến hạm để đảm bảo ưu thế trước Trung Quốc trong hàng chục năm tới.

Theo ông O’Brien, hơn 60 tàu khu trục của Mỹ sẽ được trang bị loại tên lửa có khả năng bay nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh.

Theo giới chuyên gia, việc Mỹ muốn thúc đẩy đưa tên lửa siêu thanh lên chiến hạm cho thấy họ dường như muốn đối phó và thậm chí áp đảo dàn tên lửa chống hạm siêu âm của Trung Quốc. Điều này dẫn tới viễn cảnh rằng cuộc đua giữa Mỹ - Trung Quốc trong việc nâng cao năng lực hải quân sẽ ngày càng quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Trung Quốc trong những năm qua đã tích cực hiện đại hóa hải quân với việc bổ sung thêm hàng loạt hệ thống vũ khí như tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm.

Chuyên gia an ninh từ tổ chức Rand (Mỹ) Timothy Heath nhận định rằng việc tàu chiến Mỹ có tên lửa siêu thanh sẽ giúp các chiến hạm này nâng cao khả năng ứng phó và tiêu diệt các mục tiêu trên biển và trên mặt đất.

“Các tên lửa chống hạm hiện tại của tàu khu trục Mỹ có thể tấn công trong khoảng 300 - 560 km. Tên lửa siêu thanh sẽ gia tăng đáng kể chỉ số này. Sẽ rất khó để bắn hạ những tên lửa này bằng các hệ thống phòng thủ do tốc độ di chuyển của đầu đạn”, ông Heath nói.

Song Zhongping, chuyên gia quân sự Hong Kong, cho rằng hải quân Trung Quốc sẽ đối diện với mối đe dọa to lớn nếu Mỹ đưa tên lửa siêu thanh lên tàu khu trục. Trung Quốc tuyên bố họ sở hữu tên lửa siêu thanh nhưng nó chưa thể phóng từ chiến hạm.

Malcolm Davis, chuyên gia từ viện Chính sách Chiến lược Australia, nhận định kế hoạch của Mỹ dường như phản ánh rằng nước này ý thức được họ đang chậm chân hơn Nga và Trung Quốc về vũ khí siêu thanh. Vì vậy, Mỹ muốn đẩy nhanh tốc độ để theo kịp và vượt lên.

Trong bài phát biểu tại Viện nghiên cứu Hudson ngày 28/10, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien đã đề cập tới những diễn biến tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

“Ông O'Brien phát biểu rằng Mỹ sẽ giúp bảo đảm tự do hàng hải tại Biển Đông, Hoa Đông và eo biển Đài Loan”, Taiwan News dẫn lời ông O'Brien ngày 30/10.

Ông O'Brien cho biết Mỹ đã hợp tác về an ninh hàng hải và chống khủng bố với Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan và Philippines.

Ngoài ra, ông O'Brien cho hay Tổng thống Trump đã buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc cưỡng ép chuyển giao công nghệ và đánh cắp tài sản trí tuệ trên toàn thế giới.

Quan chức Nhà Trắng cũng cảnh báo, Bắc Kinh có thể giám sát các đối tượng bên ngoài Trung Quốc nếu giành được quyền kiểm soát mạng viễn thông 5G. Ông O'Brien nghi ngờ Bắc Kinh sẽ truy cập vào “mọi dữ liệu cá nhân”, bao gồm hồ sơ y tế, giao dịch tài chính và thư điện tử trên toàn thế giới mà không bị hạn chế.