1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ tính hiện đại hóa lực lượng hạt nhân đối phó Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng Washington nên hiện đại hóa lực lượng hạt nhân trong bối cảnh Trung Quốc tăng gấp đôi kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Mỹ tính hiện đại hóa lực lượng hạt nhân đối phó Trung Quốc - 1

Xe quân sự chở tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 qua Quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc năm 2019. Mỗi tên lửa DF-41 có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân. (Ảnh: Reuters)

“Trong bối cảnh Trung Quốc tăng ít nhất gấp đôi kho vũ khí hạt nhân của nước này, việc hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của chúng ta và duy trì khả năng sẵn sàng là điều cần thiết cho một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper viết trên Twitter ngày 29/8.

Theo Sputnik, bình luận của ông Esper được đưa ra sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono. Sau cuộc gặp, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết cả hai nước đều lo ngại về “các hành động của Trung Quốc trong khu vực”.

Ngày 22/6, Nga và Mỹ đã khởi động các cuộc đàm phán tại Vienna, Áo trong một nỗ lực nhằm cứu vãn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START) trước khi hiệp ước này hết hạn vào tháng 2 năm sau.

New START là một thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Nga và Mỹ, quy định hai bên giảm một nửa số bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến lược và giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai xuống còn 1.550.

Nga muốn gia hạn New START thêm 5 năm, trong khi đó Mỹ muốn một thỏa thuận 3 bên với cả Nga và Trung Quốc. Mỹ nhiều lần ngỏ ý mời Trung Quốc tham gia đàm phán 3 bên về tương lai của New START, nhưng Bắc Kinh luôn từ chối.

Trung Quốc lập luận rằng số vũ khí hạt nhân mà nước này sở hữu chỉ bằng một phần nhỏ so với Nga và Mỹ. Bắc Kinh cũng khẳng định lực lượng hạt nhân của họ chỉ mang ý nghĩa phòng vệ, không gây mối đe dọa với bất cứ bên nào.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện kho vũ khí hạt nhân của nước này và có thể đang xem xét ý tưởng duy trì “sự răn đe tối thiểu” đủ để đảm bảo rằng nếu Trung Quốc bị tấn công, họ có thể xóa sổ các thành phố ở Nga, châu Âu hoặc Mỹ.

Chính quyền Mỹ coi kho vũ khí hạt nhân tuy nhỏ (chỉ bằng 1/5 kho vũ khí của Mỹ hoặc Nga) nhưng ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc là mối đe dọa mà cả Moscow và Washington nên hợp tác cùng nhau để đối phó.

Mỹ lo ngại năng lực tên lửa và hạt nhân của Trung Quốc đang ngày càng được mở rộng, cải tiến và trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với Mỹ và đồng minh.

Trung Quốc là 1 trong 5 quốc gia hạt nhân được công nhận theo Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Theo Trung tâm nghiên cứu hủy bỏ vũ khí hạt nhân của Đại học Nagasaki, Trung Quốc ước tính sở hữu khoảng 320 vũ khí hạt nhân, so với của Nga là 6.370 vũ khí, của Mỹ là 5.800 vũ khí.

Reuters hồi tháng 4 dẫn thông tin từ một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Trung Quốc có thể đã bí mật thử hạt nhân cấp thấp tại một cơ sở dưới lòng đất.

Hu Xijin, tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu - tờ báo nhà nước Trung Quốc, từng đăng một bình luận trên mạng xã hội rằng Trung Quốc cần tăng số đầu đạn hạt nhân lên 1.000, trong đó có ít nhất 100 tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 có thể bắn tới lục địa Mỹ. 

Các chuyên gia nhận định nhiều khả năng trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, Bắc Kinh cũng sẽ tìm cách tăng gấp 5 lần kho vũ khí hạt nhân trước khi đồng ý với việc bị kiểm soát.

Vụ trưởng Vụ Kiểm soát Vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Fu Cong hồi tháng 7 tuyên bố nếu Mỹ đồng ý giảm kho vũ khí hạt nhân về bằng mức của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ tham gia đàm phán ngay lập tức.