1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ cảnh báo tham vọng hạt nhân của Trung Quốc

(Dân trí) - Các nhà đàm phán Mỹ đã cảnh báo những người đồng cấp Nga về mối đe dọa hạt nhân của Trung Quốc khi Bắc Kinh được cho là đang tìm cách phát triển kho vũ khí này.

Mỹ cảnh báo tham vọng hạt nhân của Trung Quốc - 1

Xe quân sự chở tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 qua Quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc năm 2019. (Ảnh: Reuters)

Khi các nhà đàm phán Mỹ và Nga gặp nhau tại Vienna, Áo tuần trước để thảo luận về việc gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân hiện thời giữa hai nước, các quan chức Mỹ đã khiến những người đồng cấp Nga bất ngờ bằng tài liệu mật về năng lực hạt nhân mới và đáng báo động của Trung Quốc.

Theo New York Times, thông tin tình báo trên hiện vẫn chưa được công bố tại Mỹ, thậm chí chưa được chia sẻ rộng rãi với quốc hội Mỹ. Đây là một phần trong nỗ lực lôi kéo Nga đứng về phía Mỹ, nhằm ủng hộ quyết tâm của Tổng thống Donald Trump trong việc hối thúc Trung Quốc tham gia Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Tấn công Chiến lược mới (New START) - một thỏa thuận mà Bắc Kinh chưa bao giờ tham gia.

Chính quyền Mỹ coi kho vũ khí hạt nhân tuy nhỏ (chỉ bằng 1/5 kho vũ khí của Mỹ hoặc Nga) nhưng ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc là mối đe dọa mà cả Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin nên hợp tác cùng nhau để đối phó.

Theo các quan chức Mỹ, ông Marshall Billingslea, nhà đàm phán về hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân mới của Tổng thống Trump, đã mở đầu tài liệu mật bằng việc mô tả chương trình hạt nhân của Trung Quốc là “sự tích lũy hạt nhân thần tốc”, “một nỗ lực báo động cao” nhằm đạt được sự cân bằng với các nước có kho vũ khí hạt nhân lớn hơn nhiều và được duy trì suốt hàng chục năm qua như Nga và Mỹ.

Thông điệp của Mỹ rất rõ ràng: Ông Trump sẽ không ký bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân mới nào nếu không có sự tham gia của Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc nhà lãnh đạo Mỹ có thể từ bỏ hiệp ước New START nếu ông không đạt được mục tiêu trên. Hiệp ước hiện thời sẽ hết hạn vào tháng 2/2021, chỉ vài tuần sau lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ.

Nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ về việc liệu chương trình phát triển kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có đang diễn ra thần tốc hay đáng báo động như chính quyền Trump nhận định hay không.

Các thông tin tình báo về nỗ lực hạt nhân của Bắc Kinh vẫn còn là bí mật, tuy nhiên việc chia sẻ những dữ liệu này không phải là chuyện hiếm gặp giữa các nước có kho vũ khí hạt nhân lớn trên thế giới. Điều đáng chú ý là Mỹ đã chia sẻ những thông tin này với Nga, trong khi Moscow và Washington vẫn đang xung đột với nhau trong nhiều vấn đề.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết chính quyền Trump sẽ cố gắng để công bố một phần thông tin về chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Nỗ lực hạt nhân của Trung Quốc

Mỹ cảnh báo tham vọng hạt nhân của Trung Quốc - 2

Hình ảnh vệ tinh khu thử hạt nhân Lop Nur của Trung Quốc. (Ảnh: WSJ)

Vũ khí hạt nhân bất ngờ trở thành một lĩnh vực cạnh tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Có nhiều lý do để tin rằng ngay cả khi 3 cường quốc vẫn chưa bước vào cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân quy mô lớn, nhưng những gì diễn ra bên trong các phòng đàm phán cho thấy cuộc chạy đua này có thể sẽ sớm khởi động.

Phía Nga đề xuất gia hạn thêm 5 năm cho hiệp ước New START và không cần sự phê chuẩn của quốc hội. Tuy nhiên, Tổng thống Trump rõ ràng muốn tìm tiếng nói chung với Tổng thống Putin về việc đối phó với Trung Quốc.

Robert Wood, đại sứ về giải trừ vũ khí của Mỹ, nói với các phóng viên tại phiên khai mạc hội nghị về giải trừ vũ khí tại Geneva, Thụy Sĩ hồi tháng 1 rằng "trong bối cảnh kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ước tính sẽ tăng lên gấp đôi trong 10 năm tới, bây giờ là lúc để có một cuộc thảo luận 3 bên" Nga - Trung - Mỹ.

Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện kho vũ khí hạt nhân của nước này và có thể đang xem xét ý tưởng duy trì “sự răn đe tối thiểu” đủ để đảm bảo rằng nếu Trung Quốc bị tấn công, họ có thể xóa sổ các thành phố ở Nga, châu Âu hoặc Mỹ.

Trung Quốc hiện mới chỉ triển khai 300 vũ khí hạt nhân tầm xa, so với 1.550 vũ khí hạt nhân mà Nga và Mỹ được phép triển khai theo hiệp ước New START. Các chuyên gia nhận định nhiều khả năng trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, Bắc Kinh cũng sẽ tìm cách tăng gấp 5 lần kho vũ khí hạt nhân trước khi đồng ý với việc bị kiểm soát.

Vũ khí hạt nhân là một trong số nhiều vấn đề, gồm thỏa thuận thương mại, cấm sinh viên Trung Quốc tới Mỹ hay ngăn thế giới sử dụng mạng lưới 5G của Bắc Kinh, mà chính quyền Trump đang xem xét trong mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước.

Trung Quốc nhiều lần bác bỏ đề xuất của chính quyền Trump về việc thảo luận một hiệp ước hạt nhân 3 bên giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc. Bắc Kinh nói rằng lực lượng hạt nhân của họ chỉ mang ý nghĩa phòng vệ, không gây mối đe dọa với bất cứ bên nào.

Reuters hồi tháng 4 dẫn thông tin từ một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Trung Quốc có thể đã bí mật thử hạt nhân cấp thấp tạo một cơ sở dưới lòng đất.

Hu Xijin, tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu - tờ báo nhà nước Trung Quốc, từng đăng một bình luận trên mạng xã hội rằng Trung Quốc cần tăng số đầu đạn hạt nhân lên 1.000, trong đó có ít nhất 100 tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 có thể bắn tới lục địa Mỹ. Mỗi tên lửa DF-41 có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân.

Thành Đạt

Theo NYT, Reuters, SCMP