Mỹ tiết lộ vũ khí duy nhất có thể chặn tên lửa siêu vượt âm
(Dân trí) - Một phó đô đốc Mỹ tiết lộ vũ khí duy nhất của nước này có khả năng đánh chặn tên lửa siêu vượt âm, khí tài được xem là mối đe dọa trong tác chiến tương lai.
Sputnik đưa tin, Phó đô đốc Mỹ Jon Hill, giám đốc cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA), nhận định, nước này đang trong "tình thế bấp bênh" trước các mối đe dọa tên lửa siêu vượt âm.
Ông Hill nói rằng, việc truy tìm và loại bỏ các mối đe dọa siêu vượt âm cần một cách tiếp cận đa cảm biến. Hệ thống cảm biến theo dõi mục tiêu đạn đạo và siêu vượt âm từ vũ trụ trước tiên sẽ xác định các mối đe dọa và chuyển tiếp thông tin đến hệ thống chiến đấu Aegis trên các tàu Hải quân Mỹ. Những con tàu này sau đó có thể phóng tên lửa vào mối đe dọa siêu vượt âm.
Ông Hill nói rằng, Mỹ có thể phụ thuộc vào tên lửa đất đối không, chống hạm, chống đạn đạo SM-6 để thực hiện nhiệm vụ đánh chặn và đây được xem là hệ thống phòng thủ tên lửa siêu vượt âm duy nhất Mỹ hiện đang có trong kho vũ khí.
Quan chức trên cho biết, hệ thống Aegis trên tàu chiến cùng với tên lửa RIM-66 cũng có thể ngăn chặn mối đe dọa đạn đạo và siêu vượt âm ở giai đoạn cuối khi quỹ đạo bay của tên lửa đã được xác định. Mặc dù vậy, ông nhấn mạnh, chỉ khả năng phòng thủ giai đoạn cuối là chưa đủ để chống lại mối đe dọa tên lửa siêu vượt âm.
Tên lửa SM-6 được hãng Raytheon phát triển vào những năm 2000 và vào biên chế Hải quân Mỹ năm 2013. Ngoài vai trò chính chống lại máy bay, máy bay không người lái và tên lửa, vũ khí này còn được xem là tên lửa hành trình chống hạm. Tuy nhiên, theo Sputnik, do Mỹ chưa có bất cứ vũ khí siêu vượt âm nào trong biên chế, nên trên thực tế SM-6 dường như chưa được thử nghiệm chống lại loại mục tiêu này để kiểm chứng phát ngôn của Phó đô đốc Hill.
Hiện chưa có bất cứ quốc gia nào công khai chứng minh có đủ khả năng để vô hiệu hóa vũ khí siêu vượt âm. Trước đó, lực lượng hàng không vũ trụ Nga cam kết rằng, hệ thống S-500 của nước này sẽ có khả năng đánh chặn và phá hủy các mục tiêu siêu vượt âm. S-500 bắt đầu được đưa vào biên chế Nga tháng 9 năm ngoái.