1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ thừa nhận không thể sớm phi hạt nhân hóa Triều Tiên

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết các cuộc đàm phán liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ mất thêm một thời gian nữa mới có thể hoàn tất.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát vật thể được cho là đầu đạn tên lửa (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát vật thể được cho là đầu đạn tên lửa (Ảnh: Reuters)

“Vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm. Có thể sẽ mất thêm khoảng thời gian nữa trước khi đạt được điều chúng ta muốn”, Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu tại cuộc họp nội các do Tổng thống Donald Trump chủ trì hôm qua 18/7.

Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, trước khi hai nước đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân hóa cụ thể, Washington “tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt hiện thời” với Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Pompeo nói rằng Triều Tiên đã tái khẳng định cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân và tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ được tiến hành song song với việc trao trả hài cốt của các binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

“Tôi nghĩ trong vài tuần tới, chúng ta sẽ nhận được những bộ hài cốt đầu tiên. Đó là cam kết của họ”, ông Pompeo nói.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng ông tin tưởng rằng những cam kết giữa hai nước sẽ mang đến sự thay đổi chiến lược cho Triều Tiên và mở ra cho Bình Nhưỡng một tương lai tươi sáng cho người dân.

Ngoại trưởng Pompeo hồi đầu tháng đã có chuyến thăm thứ 3 tới Bình Nhưỡng với nỗ lực phát triển các cam kết đã được hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều thống nhất trước đó. Ông Pompeo sau đó thông báo các cuộc hội đàm giữa hai bên diễn ra hiệu quả, nhưng cũng thừa nhận rằng vẫn còn nhiều việc cần phải làm, bao gồm thiết lập một hạn chót cụ thể cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Liên quan tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên, Tổng thống Trump ngày 17/7 cho biết sẽ “không có giới hạn về thời gian” cho tiến trình phi hạt nhân hóa. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định “không cần vội vã” và “các lệnh trừng phạt” Triều Tiên vẫn chưa được dỡ bỏ. Trước đó, sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, ông Trump từng nói rằng mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng đã không còn nữa.

Nga muốn nới lỏng trừng phạt Triều Tiên

Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora hôm qua cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên xem xét nới lỏng trừng phạt Triều Tiên khi tình hình đang có chuyển biến tích cực. “Sự thay đổi tích cực trên bán đảo Triều Tiên là điều nhận thấy rõ hiện nay”, Đại sứ Matsegora nói.

Theo Đại sứ Matsegora, Nga sẵn sàng giúp hiện đại hóa hệ thống năng lượng của Triều Tiên nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và nếu Bình Nhưỡng có thể tìm thấy nguồn vốn cho quá trình hiện đại hóa.

Mỹ ngày 12/7 đã cáo buộc Triều Tiên vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc khi tiến hành các giao dịch dầu tinh chế trái phép giữa các tàu trên biển. Washington yêu cầu Bình Nhưỡng chấm dứt ngay lập tức tất cả các giao dịch liên quan tới mặt hàng này.

Mỹ đã gửi khiếu nại lên Ủy ban Trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Washington cũng yêu cầu Ủy ban Trừng phạt Triều Tiên ban hành thông báo khẩn cấp đối với toàn bộ các thành viên Liên Hợp Quốc về việc Triều Tiên đã vi phạm lệnh cấm quốc tế, đồng thời yêu cầu các nước này dừng toàn bộ các giao dịch với Bình Nhưỡng.

Thành Đạt

Theo Yonhap

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm