1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ theo đuổi quan hệ chặt chẽ hơn với Trung và Đông Âu

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến Ba Lan, chặng cuối trong chuyến đi châu Âu 6 ngày, để thắt chặt quan hệ với các nước Trung và Đông Âu và tìm kiếm sự ủng hộ của khu vực này với “các nền dân chủ mới nổi” tại Ảrập.

 
Mỹ theo đuổi quan hệ chặt chẽ hơn với Trung và Đông Âu - 1
Tổng thống Mỹ đã đặt vòng hoa tại ngôi mộ Chiến sĩ Vô danh Vacxava.

Đây là lần đầu ông Obama đến Ba Lan, đồng minh thân thích của Mỹ và NATO.

Ngay khi đến thủ đô Vacxava, Tổng thống Mỹ đã đặt vòng hoa tại mộ Chiến sĩ Vô danh. Ông cũng ghé thăm một khu trước đây, trong Chiến tranh Thế giới II, Đức Quốc xã đã tập trung người Do Thái trước khi đưa đi các trại tập trung để tiêu diệt.

Chiều qua, Tổng thống Obama gặp Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski, trước khi dự tiệc với một số lãnh đạo Đông Âu đến dự hội nghị thượng đỉnh Trung Âu trong một bữa tiệc do ông chủ trì.

Các nước đến dự là Albania, Áo, Bosnia-Herzegovina, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Czech, Estonia, Italia, Kosovo, Latvia, Lithuania, Macedonia, Moldova, Montenegro, Slovakia, Slovenia, Ukraine, và chủ nhà Ba Lan. Serbia và Romania không đến dự tiệc để phản đối sự có mặt của Kosovo, quốc gia mà họ không công nhận nền độc lập.

Hôm nay, Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski mới chính thức đón tiếp nhà lãnh đạo Mỹ. Dự kiến, hai bên sẽ bàn về thương mại và vấn đề những máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ đóng tại Ba Lan, một đề tài bị Nga chống đối.

Hôm qua, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết một đơn vị nhỏ của Không quân Mỹ sẽ được phép đóng trên đất Ba Lan. Ông không nói thêm chi tiết.

Mỹ dự tính đặt các tên lửa đánh chặn tại Ðông và Trung Âu theo từng giai đoạn cho tới năm 2020 trong khuôn khổ của lá chắn phòng thủ tên lửa được đề nghị cho châu Âu. Nhưng Mỹ đang bất đồng gay gắt với Nga về vấn đề này.

Lãnh đạo Mỹ và Ba Lan cũng có thể đề cập chuyện ủng hộ “các nền dân chủ mới nổi” tại Bắc Phi và Trung Đông, một phong trào mà các giới chức Mỹ ví như “phong trào sụp đổ của các nước Trung và Đông Âu cách nay 20 năm”.

Nhật Mai
Theo NYdailynews, BBC