1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ thêm một lần thất bại với dự luật Keystone

Thượng viện Mỹ do phe Cộng hòa nắm quyền lãnh đạo ngày 4/3 đã hứng chịu thêm một thất bại mới trong “cuộc so găng” với Tổng thống Barack Obama liên quan tới dự luật xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu Keystone XL.

Theo đó, dự luật này không nhận được đa số phiếu ủng hộ áp đảo 2/3 để phủ quyết lại quyền phủ quyết mà Tổng thống Obama đã sử dụng liên quan tới dự luật này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn kết quả bỏ phiếu cho biết dự luật Keystone XL chỉ nhận được 62 phiếu thuận, thiếu 5 phiếu để đạt đa số áp đảo có thể bác bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống Obama.

Có 37 Thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu tán thành quyền phủ quyết của người đứng đầu cơ quan hành pháp. Kết quả trên cũng đồng nghĩa với việc Hạ viện sẽ không cần phải tiến hành bỏ phiếu liên quan tới vấn đề này và Tổng thống Obama là người có tiếng nói cuối cùng đối với dự luật.

Tuy nhiên, sau thất bại mới nhất này, phe Cộng hòa vẫn tuyên bố không bỏ cuộc và sẽ tiếp tục tìm cách gắn nội dung thông qua đường ống Keystone vào các dự luật khác của Quốc hội trong năm nay.

Theo Hiến pháp Mỹ, tổng thống có quyền phủ quyết bất cứ dự luật nào mà cả Hạ viện và Thượng viện đã thông qua. Trong trường hợp Tổng thống làm như vậy, dự luật sẽ không thể trở thành luật cho đến khi lưỡng viện Quốc hội bỏ phiếu lại và nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ tại mỗi viện.

Trước đó, ngày 24/2, Tổng thống Obama đã dùng quyền lực của người đứng đầu cơ quan hành pháp để phủ quyết dự luật Keystone XL. Đây là lần thứ ba ông Obama sử dụng quyền lực hiến định này để bác bỏ các văn bản pháp luật đã được lưỡng viện Quốc hội thông qua.

Dự án xây dựng tuyến đường ống Keystone XL từ Canada xuyên qua lãnh thổ nước Mỹ được khởi xướng cách đây hơn 6 năm với tổng vốn đầu tư hơn 8 tỷ USD.

Tuyến đường ống Keystone XL do tập đoàn TransCanada Corp của Canada và tập đoàn ConocoPhillips của Mỹ đề xuất này có tổng chiều dài 3.462 km chạy qua 6 bang của Mỹ, dự kiến được xây dựng theo hai giai đoạn và khi hoàn tất có thể vận chuyển hơn 800.000 thùng dầu/ngày từ các mỏ dầu ở Canada tới các nhà máy lọc dầu ở các bang bờ biển phía Nam nước Mỹ.

Dự án này được các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa và các tập đoàn dầu khí ủng hộ trong khi các nghị sỹ của đảng Dân chủ và các nhóm hoạt động về môi trường ở cả Mỹ và Canada phản đối vì lo ngại sẽ phá hủy môi trường và hệ sinh thái những nơi nó chạy qua.

Theo TTXVN/baotintuc.vn