1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ tăng cường lực lượng ở vịnh Ba Tư, gửi cảnh báo "rắn" tới Iran

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Mỹ tuyên bố sẽ triển khai thêm một tàu khu trục, tiêm kích F-16 và F-35 để tăng cường cho lực lượng Mỹ đã có tại Trung Đông, vốn bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và một cặp tàu khu trục.

Mỹ tăng cường lực lượng ở vịnh Ba Tư, gửi cảnh báo rắn tới Iran - 1

Tàu sân bay lớp Nimitz cùng đội tàu hộ tống của Hải quân Mỹ (Ảnh: Eurasian-defence.ru).

Trong 3 năm qua, các lực lượng Iran bị cáo buộc đã 20 lần cố gắng đột kích lên các tàu thương mại treo cờ nước ngoài khi đi qua Eo biển Hormuz, vốn đông đúc nhưng lại có chiều rộng khá hẹp, để vào hoặc ra khỏi vịnh Ba Tư.

Chỉ trong vòng vài tuần vào mùa xuân năm nay, họ đã bắt giữ một tàu mà thủy thủ đoàn bị cáo buộc va chạm với tàu Iran và một tàu khác mà họ cho là có liên quan đến tranh chấp pháp lý ở Iran.

Điều này có thể dẫn đến kịch bản xấu cho Tehran như từng xảy ra trước đây.

Trong một vụ việc mới nhất, vào ngày 5/7, sau khi các pháo hạm của Iran nổ súng vào tàu chở dầu Richmond Voyager treo cờ Bahamas vào ngày 5/7, Lầu Năm Góc cuối cùng đã mất kiên nhẫn.

Mỹ tuyên bố sẽ triển khai thêm một tàu khu trục và các máy bay chiến đấu F-16 và F-35 để tăng cường cho lực lượng Mỹ đã có mặt ở Trung Đông, bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và một cặp tàu khu trục.

Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết các lực lượng bổ sung sẽ "bảo vệ lợi ích của Mỹ và bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực".

Các lực lượng Tehran đã quấy rối hoạt động vận tải trên vịnh Ba Tư trong nhiều thập niên. Hơn một lần, sự quấy rối đã khiến Mỹ phản ứng cứng rắn, leo thang thành chiến tranh trên không và trên biển. Mỗi lần như vậy là một thảm họa đối với Tehran.

Năm 1987, Mỹ đã chấp thuận yêu cầu của Kuwait về việc thay cờ cho các tàu chở dầu của họ thành cờ Mỹ, nhằm cung cấp cho Hải quân Mỹ vỏ bọc pháp lý khi các tàu chiến của họ hộ tống các tàu chở dầu qua vịnh Ba Tư và vượt qua các lực lượng của Iran.

Chiến dịch này của Mỹ, kéo dài từ tháng 7/1987 đến tháng 9/1988, bao gồm một số nỗ lực nhỏ hơn dẫn đến việc tiêu diệt lực lượng và phá hủy một phần hạm đội của Tehran.

Hải quân Mỹ đã hoán cải hai sà lan chở dầu thành căn cứ nổi cho Lực lượng tác chiến đặc biệt, và quân đội Mỹ đưa trực thăng tấn công lên tàu hải quân. Vào ngày 21/9/1987, các máy bay trực thăng Mỹ đã tấn công một tàu Iran đang rải mìn ở Vịnh Ba Tư, buộc thủy thủ đoàn phải rời tàu.

Vài ngày sau, các máy bay trực thăng nhắm vào 3 tàu tuần tra của đối phương mà người Mỹ nghi ngờ là dàn dựng một cuộc tấn công tàu chở dầu. Các tàu Iran nổ súng và trực thăng Mỹ bắn trả, đánh chìm cả ba.

Vào ngày 16/10/1987, một tên lửa Iran đã tấn công tàu chở dầu của Kuwait, làm bị thương 19 người. Để trả đũa, 4 tàu khu trục Mỹ đã đốt cháy 2 giàn khoan dầu cũ mà lực lượng Iran đang sử dụng làm căn cứ cho tàu cao tốc vũ trang.

Trận giao tranh đẫm máu nhất xảy ra 6 tháng sau đó. Vào ngày 14/4/1988, một tàu khu trục nhỏ của Mỹ đã va phải một quả thủy lôi của Iran khi đang hộ tống các tàu chở dầu qua vịnh Ba Tư. Tàu sân bay USS Enterprise Mỹ đã dẫn đầu một cuộc tấn công trả đũa mạnh mẽ.

Hai tàu khu trục Mỹ và một tàu tấn công đổ bộ chở một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ đã tấn công một giàn khoan dầu mà Iran đang sử dụng làm căn cứ. Các tàu cao tốc của Iran sau đó đột kích 3 tàu chở hàng dân sự. Khi đối phương rút lui, máy bay của tàu sân bay Enterprise đuổi theo và đánh chìm một tàu cao tốc bằng bom chùm.

Mỹ tăng cường lực lượng ở vịnh Ba Tư, gửi cảnh báo rắn tới Iran - 2

Tiêm kích được trang bị cho tàu sân bay Mỹ (Ảnh: Telegraph).

Khi một tàu tên lửa của Iran bắn tên lửa chống hạm Harpoon vào một nhóm tàu chiến Mỹ, nhưng trượt, Mỹ đã bắn trả bằng tên lửa Harpoon của chính mình, sau đó áp sát chiếc thuyền bị hư hại, đánh chìm nó bằng pháo trên tàu.

Các máy bay của tàu sân bay Enterprise đã sử dụng tên lửa Harpoon và bom dẫn đường bằng laser để đánh chìm một tàu hộ tống của Iran và làm hư hỏng nặng một chiếc khác. Ít nhất 56 người Iran thiệt mạng trong cuộc giao tranh. Hai lính thủy đánh bộ Mỹ thiệt mạng khi trực thăng của họ bị rơi. Bị giáng trả mạnh mẽ, quân đội Iran rút lui.

Tehran cũng đã có lúc tìm cách hạn chế dòng chảy của dầu bằng các biện pháp ít công khai hơn. Sáu tàu chở dầu đã bị tấn công bằng mìn và các phương pháp tương đối bí mật khác vào năm 2019. Cũng có những vụ bắt giữ công khai vào năm đó. Vào thời điểm đó, không có báo cáo nào về sự trả đũa của quân đội Mỹ.

Hiện Iran có 2 hạm đội gồm lực lượng hải quân chính quy và lực lượng hải quân thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) nhưng trang bị lạc hậu, hầu hết họ vẫn ra khơi trên những chiếc tàu cao tốc và tàu hộ tống được trang bị vũ khí hạng nhẹ mà họ có trong những năm 1980.

Bốn thập niên trước, các lực lượng Mỹ đã vượt trội hơn nhiều so với Iran và ngày nay, sự chênh lệch cũng ngày càng lớn hơn.

Ngoài 3 tàu khu trục, F-16 và F-22 và F-35 tàng hình, vũ khí của Mỹ trong khu vực bao gồm một tàu chở dầu cũ dài hơn 231m đã chuyển đổi thành căn cứ nổi cho Lực lượng tác chiến Đặc biệt và máy bay trực thăng.

Nếu tình trạng quấy rối trên biển hiện nay leo thang thành chiến tranh công khai, như đã từng xảy ra trong quá khứ, nhiều khả năng kết quả sẽ tương tự như những năm 1987 và 1988 khi Mỹ đốt cháy và đánh chìm các tàu và giàn khoan và khiến nhiều người Iran thiệt mạng.

Có vẻ như Tehran vẫn chưa rút ra được bài học kinh nghiệm?

Theo Telegraph