1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ tăng cường cấm vận Triều Tiên, trả đũa vụ tấn công mạng

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 2/1 đã ký ban hành một chỉ thị, áp đặt các lệnh cấm vận mới đối với Triều Tiên để trả đũa việc nước này tấn công vào mạng máy tính một công ty của Mỹ, đã làm phim hài về ám sát ông Kim Jong-un.

Một đoạn quảng cáo phim The Interview tại Seoul
Một đoạn quảng cáo phim "The Interview" tại Seoul

Trong chỉ thị vừa được ông Obama phê chuẩn, Bộ tài chính Mỹ sẽ được phép đưa vào danh sách đen 3 quan chức hàng đầu về tình báo và vũ khí của Triều Tiên, cũng như 10 quan chức chính phủ của Bình Nhưỡng, hầu hết có liên quan tới hoạt động xuất khẩu vũ khí của nước này.

Ông Obama cho biết đã ra lệnh thực thi cấm vận mới do những hành động và chính sách “khiêu khích, gây bất ổn và thô bạo của chính quyền Triều Tiên, bao gồm các hành động phá hủy và ép buộc liên quan tới mạng máy tính hồi tháng 11 và 12/2014”.

Cách hoạt động này “tạo thành một mối đe dọa liên tục đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và kinh tế Mỹ”, ông Obama khẳng định trong bức thư gửi tới lãnh đạo quốc hội. “Mệnh lệnh này không nhắm vào người dân Triều Tiên, mà thay vào đó nhắm vào chính phủ Triều Tiên và các hoạt động của họ, đe dọa nước Mỹ và các nước khác”.

Mỹ trước đó đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên vì chương trình hạt nhân của nước này.

Nhưng các hành động hôm qua được tin là lần đầu tiên Mỹ tiến hành trừng phạt một quốc gia vì các cuộc tấn công mạng nhằm vào một công ty của Mỹ.

Giới chức Nhà Trắng nói với báo giới rằng động thái mới nhất là nhằm đáp trả vụ tấn công mạng nhằm vào hãng phim Sony, nhưng các mục tiêu của lệnh trừng phạt không liên quan trực tiếp.

Thay vào đó, các lệnh trừng phạt nhằm cô lập hơn nữa ngành công nghiệp quốc phòng của Triều Tiên như một sự răn đe đối với các vụ tấn công mạng trong tương lai.

Trong số những cái tên bị nêu tên trong lệnh trừng phạt có:

- Tổng cục trinh sát, tổ chức tình báo chính của Triều Tiên.

- Hãng buôn vũ khí chính của Triều Tiên, Tập đoàn thương mại phát triển mỏ Triều Tiên (Komid).

- Tập đoàn thương mại Tangun Triều Tiên, vốn hỗ trợ việc nghiên cứu quốc phòng của Triều Tiên.

- Jang Song Chol: Một đại diện của Komid tại Nga và cũng là một quan chức chính phủ Triều Tiên.

- Kim Yong Chol: Quan chức chính phủ Triều Tiên và cũng là đại diện của Komid tại Iran.

- Ryu Jin và  Kang Ryong: Các quan chức Komid và cũng là các thành viên của chính phủ Triều Tiên, hiện đang công tác tại Syria.
 
Vụ tấn công mạng
 
Lệnh cấm vận được ban hành sau khi các tin tặc đột nhập và mạng máy tính của hãng phim Sony hồi cuối tháng 11, đánh cắp và công bố lên Internet nhiều thông tin nhạy cảm về các nhân viên của Sony, công bố các đoạn phim chưa được trình chiếu và những tranh cãi trên thư điện tử giữa các lãnh đạo công ty.

Nhóm tin tặc - một nhóm tự nhận mình là “người bảo vệ hòa bình” - sau đó còn đe dọa Sony nếu hãng này công chiếu bộ phim hài “Cuộc phỏng vấn” trong dịp Giáng sinh, vốn là một câu chuyện hư cấu về một âm mưu của CIA nhằm ám sát ông Kim Jong-un.

Về phần mình, Bình Nhưỡng bác bỏ mọi sự liên quan của mình đến các vụ tấn công mạng, nhưng ngợi khen các hành động của nhóm “Người bảo vệ hòa bình”.

Nhà Trắng trong thông báo ngày thứ Sáu khẳng định, phản ứng của họ sẽ “tương xứng”, nhưng cũng cho biết các lệnh cấm vận chỉ là “khía cạnh đầu tiên trong phản ứng của chúng tôi”.

Thanh Tùng
Theo AFP