Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt với Iran
(Dân trí) - Mỹ hôm qua đã công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Iran nhằm tiếp tục tăng thêm sức ép lên chương trình hạt nhân của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo.
“Sắc lệnh hành pháp cho phép áp đặt trừng phạt đối với những thực thể tài chính nước ngoài thực hiện giao dịch bằng đồng rial hay giữ các tài khoản bằng đồng rial ở bên ngoài Iran”, Nhà Trắng cho biết.
Nhà Trắng cũng lần đầu tiên cho phép trừng phạt bất cứ cá nhân nào liên quan đến việc bán hàng hóa và dịch vụ lớn cho ngành chế tạo và lắp ráp xe hơi của Iran, bao gồm các loại xe chở khách, xe tải, xe buýt, xe bán tải và xe mô tô.
“Các biện pháp ngày hôm nay là một phần trong cam kết của Tổng thống Obama ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân thông qua việc buộc nước này phải trả giá đắt hơn”, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney khẳng định.
Các biện pháp trừng phạt nói trên cũng nằm trong chiến lược nhằm ép đồng rial mất giá, vốn đã sụt 50% giá trị kể từ đầu năm 2012 vì các đòn trừng phạt của Mỹ. Ngoài ra, chúng cũng sẽ gây khó khăn cho ngành công nghiệp của Iran trong bối cảnh Tehran từ chối nhượng bộ sức ép của quốc tế đòi nước này từ bỏ nỗ lực hạt nhân.
Mỹ ban hành các biện pháp trừng phạt mới chỉ ít giờ sau khi Nga vừa đưa ra đề nghị sớm nối lại đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức).
“Nga đã đề nghị các bên liên quan sớm đẩy nhanh tiến trình nối lại đàm phán tại Kazakhstan và có những bước đi cụ thể nhằm đạt được kết quả mong muốn”, phái đoàn đại diện thường trực Nga tại LHQ dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này Sergei Ryabkov nói.
Các bước đi cụ thể bao gồm cả việc các bên đi thẳng vào các nội dung “mặc cả” nhằm tránh nguy cơ lại để tuốt mất cơ hội như trong các vòng đàm phán trước.
Nga muốn nối lại đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1 càng sớm càng tốt với địa điểm lý tưởng nhất là tại Kazakhstan, nơi cũng đã từng diễn ra
2 vòng đàm phán trước đó với những kết quả "không tồi", theo đánh giá của ông Ryabkov.
Cũng theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Kazakhstan là địa điểm dễ chấp nhận nhất đối với tất cả các bên. Tuy nhiên, về thời gian sẽ còn có nhiều bàn cãi vì hiện Iran đang trong giai đoạn nước rút cho việc tổ chức bầu cử tổng thống quan trọng vào ngày 14/6 tới, chưa kể việc Trưởng đoàn đàm phán của Iran Saeed Jalili hiện là một trong 8 ứng cử viên tham gia tranh cử.