Mỹ sử dụng "liên minh quân sự" để kiềm chế Trung Quốc
(Dân trí) - Một chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định rằng Mỹ đang đưa quân đội ra xa Biển Đông vì tin tưởng vào sức mạnh của các loại vũ khí tầm xa và chiến lược lôi kéo các quốc gia trong và ngoài khu vực vào một "liên minh" nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Quân đội Mỹ và Phillippines tập trận (Ảnh: WantChinaTimes)
Trong bài bình luận đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu, chuyên gia về hải quân Li Jie nhấn mạnh rằng quyết định điều tàu chiến và máy bay do thám tới Biển Đông của Mỹ, nơi Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động cải tạo đảo, không mang lại những kết quả như Washington mong đợi. Theo ông Li Jie, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục quá trình xây dựng, trong khi Mỹ bị chỉ trích vì đang có các hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và có nguy cơ dẫn tới xung đột quân sự.
Với những diễn biến thời gian qua, Mỹ có vẻ như đã "hạ giọng" trước Trung Quốc. Ông Li Jie cho rằng những bình luận về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông của trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã "lịch sự hơn" những bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter tại cuộc Đối thoại Shangri-La hồi tháng 5 vừa qua ở Singapore.
Thay vì tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chuyên gia Li cho rằng Washington đang thực hiện chiến lược "xoay trục" bằng cách khác.
Ông Li nói rằng, giai đoạn đầu tiên trong cách thực hiện chiến lược mới của Mỹ chính là việc tô đậm "mối đe dọa Trung Quốc" ở Biển Đông để hối thúc các quốc gia vào một "liên minh". Thời gian qua, Mỹ đã xây dựng được mối quan hệ hữu nghị với các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, trong khi cường quốc này cũng quyết định bán vũ khí và hỗ trợ ngân sách giúp những nước này mua thêm tàu tuần tra.
Ngoài ra, ông Li cáo buộc rằng Mỹ cũng tìm kiếm sự hỗ trợ từ "các nhân tố bên ngoài" như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ qua hình thức các cuộc tập trận chung. Theo kế hoạch, Mỹ, Úc, Nhật Bản và New Zealand chuẩn bị tham gia vào cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham dự của hơn 30.000 binh sĩ. Nội dung của cuộc tập trận được cho là tấn công vào các đảo bị "đối thủ" chiếm giữ. Chuyên gia Li cho rằng chiến lược của Mỹ sẽ đẩy các quốc gia liên quan tới tranh chấp chủ quyền ra "tiền tuyến", trong khi kiểm soát mọi thứ ở phía sau.
Giai đoạn thứ hai sẽ bắt đầu bằng quá trình đưa quân Mỹ lùi ra xa Biển Đông. Trong những năm qua, mặc dù nhiều quốc gia trong khu vực hy vọng Mỹ sẽ bố trí tàu chiến và máy bay chiến đấu tại đây, Lầu Năm Góc vẫn triển khai vũ khí và binh lính tới cái mà Bắc Kinh gọi là "chuỗi đảo thứ hai" và xa hơn như căn cứ Yokosuka tại Nhật Bản, đảo Guam hay thành phố Darwin. Ông Li cho rằng mục tiêu của cách làm này là thiết lập "các đầu cầu quan trọng" ở Yokosuka và Guam, cũng như "các đầu cầu dự bị" ở Darwin và Singapore.
Với sức mạnh của các loại vũ khí tầm xa, Washington tin rằng họ có đủ khả năng giải quyết các nguy cơ với Bắc Kinh trong trường hợp xảy ra xung đột. Ông Li đánh giá các lực lượng của Mỹ tự tin vào khả năng họ có thể tránh các loại vũ khí tầm trung của Trung Quốc và sẽ đáp trả bằng những mẫu máy bay ném bom chiến lược tầm xa như B-52H, B-2 hay B-1b.
Ngọc Anh
Theo WantChinaTimes