1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ siết chặt gọng kìm với dầu lửa Iran

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Obama đã phê chuẩn đợt trừng phạt mới đối với những ngân hàng vẫn còn liên quan đến hoạt động mua bán dầu lửa của Iran, do cho rằng thị trường thế giới vẫn còn đủ dầu lửa để cung cấp cho các nước cắt nhập khẩu của Iran.

  

Trong tuyên bố ngày hôm qua, ông Obama cho rằng các đồng minh của Mỹ tẩy chay dầu lửa của Iran sẽ không phải hứng chịu những hậu quả tiêu cực bởi vẫn còn đủ dầu trên thị trường thế giới.

 

Lệnh trừng phạt mới cho phép Mỹ trừng phạt những ngân hàng nước ngoài vẫn thực hiện giao dịch về dầu mỏ của Iran.

 

Iran hiện đang đối mặt với áp lực lớn của quốc tế, nhằm trả lời cho những lo ngại về chương trình hạt nhân của nước này. Các nước phương Tây nghi ngờ Iran đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân, trong khi Iran luôn khẳng định chương trình của họ hoàn toàn vì mục đích hòa bình.

 
Mỹ siết chặt gọng kìm với dầu lửa Iran - 1
Những nước nhập khẩu dầu chính của Iran năm 2010.
 

Theo yêu cầu của một luật trừng phạt đã ký hồi tháng 12 năm ngoái, Obama cho biết việc tăng sản lượng của một số nước cùng “trữ lượng dầu chiến lược hiện tại” đã giúp ông đưa ra kết luận rằng các lệnh trừng phạt có thể tiến hành được. “Tôi sẽ theo dõi sát tình hình hiện nay để đảm bảo thị trường tiếp tục điều tiết được khi giảm mua xăng dầu và các sản phẩm xăng dầu của Iran”, ông cho hay.

 

Hồi đầu tháng này Mỹ đã miễn lệnh cấm đối với Nhật, 10 nước EU, những nước đã giảm nhập khẩu dầu của Iran. Lệnh trừng phạt mới sẽ gây thêm áp lực cho các nước nhập khẩu dầu lớn của Iran như Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi.

 

Đây là động thái mới nhất trong hàng loạt động thái nhằm dần dần siết chặt thêm gọng kìm đối với chương trình hạt nhân Iran. Một lệnh cấm vận dầu của EU bắt đầu có hiệu lực vào tháng 6. Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua cho biết sẽ cắt giảm nhập khẩu dầu của Iran tới 20%.

 

Giá dầu tăng cao?

 

Giới chức Mỹ từ chối bình luận về tác động của động thái mới đối với giá dầu thế giới.

 

Song giới chuyên gia cho rằng áp lực ngày càng lớn đối với Iran nhằm khiến nước này phải nhượng bộ trong chương trình hạt nhân đã là một trong những nhân tố đẩy giá dầu tăng cao trong thời gian gần đây, trong đó chính tại Mỹ, giá xăng tăng rất mạnh.

 

Theo Mark Mardell của hãng BBC, động thái mới là bước “siết gọng kìm” quan trọng bởi về lý thuyết nếu công ty hay nước nào mua dầu từ ngân hàng trung ương Iran có thể sẽ phải đối mặt với việc bị loại bỏ khỏi hệ thống ngân hàng của Mỹ.

 

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc Mỹ đã phải miễn trừ cho các nước như Nhật, vốn đã cắt giảm nhập dầu của Iran, chứng tỏ những nước này vẫn cần phải dựa vào dầu lửa của Iran. Những khách hàng lớn khác như Trung và Ấn có thể “lách luật” khi đổi dầu lấy lúa mì hoặc đậu tương.

 

Vũ Quý

Theo BBC, Reuters