1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ sẽ giám sát tình hình Biển Đông

(Dân trí) - Mỹ sẽ giám sát tình hình Biển Đông để theo dõi xem liệu các bước đi giảm căng thẳng có được thực hiện hay không, một quan chức Bộ ngoại giao Mỹ ngày 11/8 cho biết, một ngày sau khi Trung Quốc bác bỏ đề xuất nhằm kiềm chế hành động tại các vùng biển tranh chấp.

Mỹ sẽ giám sát tình hình Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại ARF ở Myanmar.

Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Sydney, Úc để hội đàm về an ninh khu vực với giới chức Úc. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng tham dự các cuộc hội đàm này.

Một đề xuất của Mỹ nhằm "đóng băng" các hành động khiêu khích ở Biển Đông đã vấp phải phản ứng lạnh nhạt từ phía Trung Quốc tại Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) ở Myanmar hồi cuối tuần qua. Đây được xem là một bước lùi trong các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn các động thái gây hấn của Trung Quốc.

Hãng tin Reuters ngày 11/8 dẫn lời một quan chức Bộ ngoại giao Mỹ giấu tên cho hay Washington sẽ theo sát các cuộc đàm phán bằng cách đánh giá một cuộc gặp ASEAN-Trung Quốc trong vài tuần tới đối với việc thực thi tuyên bố 2002 về ứng xử trên Biển Đông, vốn "tương tự với sự đóng băng".

"Chúng tôi cũng sẽ giám sát tình hình thực tế quanh các bãi đá, các bãi san hô, bãi cạn ở Biển Đông", quan chức trên nói.

Liên quan tới tình hình Biển Đông, hãng thông tin chính thức của Xinhua ngày 11/8 đã cáo buộc Washington "đổ thêm dầu vào lửa" và "khuyến khích các quốc gia có lập trường cứng rắn chống lại Trung Quốc, tạo ra những ngờ vực về ý định thực sự của Mỹ và gây khó khăn cho việc đạt được một giải pháp hòa bình".

Một nữ phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Mỹ hôm qua đã đáp trả Trung Quốc, nói rằng Mỹ không chịu trách nhiệm về việc kích động sự bất ổn định ở Biển Đông.

"Những hành động khiêu khích mà Trung Quốc thực hiện mới gây ra sự mất ổn định đó", phát ngôn viên Marie Harf nói trong cuộc họp báo thường ngày.

"Tất cả những gì chúng tôi đang làm là nhằm hạ nhiệt căng thẳng, giúp các bên giải quyết những khác biệt bằng con đường ngoại giao chứ không phải thông qua các biện pháp ép buộc và gây mất ổn định như chúng ta thấy Trung Quốc đã làm trong vài tháng qua", bà Harf nói.

An Bình
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm