1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ sẵn sàng đối thoại trực tiếp với chính phủ mới của Iran

(Dân trí) - Phản ứng sau khi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống tại Iran được công bố, Nhà Trắng tuyên bố sẵn sàng đối với với chính quyền mới tại Tehran và kêu gọi các bên tôn trọng ý nguyện của cử tri Iran.

Ông Hassan Rowhani đã đắc cử Tổng thống Iran
Ông Hassan Rowhani đã đắc cử Tổng thống Iran

Tuyên bố trên được Nhà Trắng đưa ra không lâu sau khi kết quả cuộc bầu cử tại Iran cho thấy, giáo sỹ theo đường lối ôn hòa Hassan Rowhani đã giành chiến thắng ngay trong vòng 1 với hơn 50% số phiếu.

“Chúng tôi hy vọng rằng chính phủ Iran sẽ tôn trọng ý nguyện của người Iran và đưa ra những lựa chọn có trách nhiệm để có thể tạo ra một tương lai tốt hơn cho toàn bộ người dân Iran”, thông cáo viết.

“Chính phủ Mỹ sẵn sàng đàm phán trực tiếp với chính phủ Iran để đạt được một giải pháp ngoại giao, có thể thỏa mãn những lo ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran”, Jay Carney, người phát ngôn Nhà trắng nói.

Suốt nhiều năm qua Mỹ vẫn cáo buộc Iran bí mật phát triển vũ khí hạt nhân. Tehran phủ nhận điều này và khẳng định chương trình hạt nhân của mình chỉ nhằm mục đích dân sự.

Nhóm các nước P5+1, gồm 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức, đã tổ chức rất nhiều vòng đàm phán với Iran nhưng đến nay chưa đạt được đột phá nào.

Tương tự, Bộ ngoại giao Anh lên tiếng hối thúc ông Rowhani “vạch ra một lộ trình khác cho tương lai của Iran: thỏa mãn những lo lắng của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran…và cải thiện tình hình chính trị và nhân quyền cho người dân Iran”.

Pháp, một thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng khẳng định “sẵn sàng làm việc” với nhà lãnh đạo mới của Iran.

Hasan Rowhani – nhà ngoại giao ôn hòa

Chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đắc cử năm 2005, trưởng đoàn đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran Hasan Rowhani đã quyết định từ chức sau những cuộc họp có nhiều bất đồng với tân Tổng thống.

Quyết định này đã càng củng cố thêm danh tiếng của ông Rowhani với tư cách một người có tư tưởng ôn hòa, trái ngược với cách tiếp cận có phần đối đầu của ông Ahmadinejad trong các vấn đề đối ngoại.

Cách tiếp cận của ông Rowhani được cho là tương đồng với tư tưởng của cựu tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani, người tin rằng Iran có thể duy trì chương trình hạt nhân đồng thời với giảm bớt căng thẳng với các cường quốc phương Tây.

Bởi vậy khi ông Rafsanjani bị Hội đồng Giám hộ (cơ quan bảo vệ Hiến pháp Iran) từ chối cho tham gia tranh cử, cử tri đã bỏ phiếu cho vị giáo sỹ ôn hòa. Theo kết quả được Bộ nội vụ Iran công bố, ông Rowhani đã giành được 50,7% trong tổng số 36 triệu phiếu và sẽ nhậm chức vào tháng 8 tới.

Trong các chiến dịch vận động tranh cử, ông Rowhani đã cam kết sẽ “tìm kiếm sự tương tác có tính xây dựng với thế giới”, bao gồm nỗ lực giảm bớt lo lắng của phương Tây về chương trình hạt nhân của nước này và đưa nền kinh tế thoát khỏi các lệnh cấm vận quốc tế.

“Chúng ta sẽ không để những gì xảy ra trong 8 năm qua tiếp tục”, vị giáo sỹ tuyên bố trong cuộc vận động hồi tuần trước, ám chỉ nhiệm kỳ 8 năm của người tiền nhiệm Ahmadinejad. “Họ đã khiến đất nước bị cấm vận thế nhưng họ lại tự hào về điều đó. Tôi sẽ theo đuổi một chính sách hòa giải và hòa bình. Chúng ta cũng sẽ hòa giải với thế giới”.

Ông Rowhani bắt đầu nghiên cứu về tôn giáo khi còn là thiếu niên và nổi lên là người chống lại chế độ cũ được phương Tây hậu thuẫn. Ông cũng từng tốt nghiệp đại học Tehran năm 1972 với tấm bằng cử nhân luật. Sau đó ông ra nước ngoài học thạc sỹ luật tại trường Glasgow Caledonian University.

Trong cuộc cách mạng Hồi giáo Iran 1979, ông đã trở thành nhân vật thân cận của nhà lãnh đạo Ayatollah Ruhollah Khomeini, người sau đó trở thành giáo chủ tối cao. Sau cách mạng, ông thăng tiến nhanh chóng, nắm giữ nhiều chức vụ trong quân đội, quốc hội và cơ quan truyền thông Iran.

Rowhani cũng trở thành nhân vật thân cận của cựu Tổng thống Rafsanjani trong cuộc chiến tranh 1980 – 1988 với Iraq và trở thành cố vấn an ninh quốc gia của ông Rafsanjani, nhiệm kỳ 1989 – 1997. Sau đó ông tiếp tục được Tổng thống Mohammad Khatami bổ nhiệm làm phái viên thứ nhất về vấn đề hạt nhân của Iran.

Đến năm 2003, ông trở thành trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của quốc gia vùng Vịnh, trước khi từ chức năm 2005 vì những bất đồng với Tổng thống Ahmadinejad về cách giải quyết bất đồng với phương Tây.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm