1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga: “Phát súng” nhằm vào Trung Quốc?

(Dân trí) - Giới chuyên gia cho rằng việc Mỹ rút khỏi hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) kéo dài 30 năm qua dường như không nhằm trực diện vào Nga, mà hướng mục tiêu sang Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Fu Mengzi, phó giám đốc viện quan hệ quốc tế đương đại (Bắc Kinh), nhận định rằng việc Tổng thống Donald Trump ngày 20/10 công bố rút Mỹ khỏi hiệp ước INF là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc chiến “dài hơi” với Trung Quốc. “Sau khi rời INF, Mỹ sẽ triển khai và phát triển các hệ thống quân sự mới”, ông Fu nhận định.

Ngoài mâu thuẫn về vấn đề thương mại, căng thẳng về vấn đề an ninh và quân sự giữa 2 Mỹ và Trung Quốc cũng đang leo thang, đặc biệt tại Biển Đông. Mỹ tỏ ra quan ngại với việc Trung Quốc tuyên bố cái gọi là “chủ quyền” với khu vực, bồi đắp và quân sự hóa phi pháp tại đây. Chính vì vậy, Mỹ trong thời gian gần đây, đang thực hiện nhiệm tụ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế, nhằm thách thức tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

Hiện thời, Trung Quốc chưa đưa ra phát ngôn chính thức về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Hiệp ước INF được ký kết năm 1987 giữa Nga và Mỹ nhằm cấm các bên phát triển và triển khai tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 500km đến 5.500km. Hiệp định được cho là nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Theo SCMP, Trung Quốc dù không phải là bên tham gia vào INF và họ có thể phát triển tên lửa đạn đạo mà không bị giới hạn về tầm bắn. Giới chuyên gia quân sự cho biết các tên lửa dòng DF và HN của Bắc Kinh có tầm bắn 15.000 km, khoảng cách đủ để đặt toàn bộ lãnh thổ Mỹ vào tầm ngắm.

Theo CNN, Trung Quốc đã bắt đầu hiện đại hóa nền quân sự nước này từ những năm 1987, đầu tư hàng tỷ USD vào việc phát triển vũ khí mới. Một trong những lĩnh vực Trung Quốc dồn nhiều công sức nhất chính là các tên lửa. Theo thống kê của một số quan chức quân đội cấp cao của Mỹ, nếu có kịch bản Trung Quốc tham gia vào INF thì 95% kho tên lửa đạn đạo và hành trình của nước này sẽ được coi là vi phạm.

Thượng nghị sĩ Tim Cotton của bang Arkansas cho rằng Trung Quốc chính là một trong những lý do khiến Mỹ cân nhắc rời khỏi INF. “Trung Quốc đang tăng cường phát triển kho tên lửa vì họ không bị bất cứ thứ gì ràng buộc. Tôi từ lâu đã kêu gọi Mỹ cân nhắc rằng liệu hiệp ước trên còn phục vụ cho lợi ích quốc gia của chúng ta hay không”, ông Cotton nói.

Tuy nhiên, chuyên gia Collin Koh, nhà nghiên cứu tại đại học kỹ thuật Nanyang (Singapore), cảnh báo rằng quyết định của ông Trump có thể đóng vai trò như “chất xúc tác” để Nga và Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ phát triển các chương trình vũ khí.

Trên thực tế, dù quyết định rút Mỹ khỏi INF được coi là động thái khá bất ngờ, nhưng trong 10 năm qua, giới quan sát cho rằng hiệp ước trên đã phần nhiều bị “lung lay”. Từ năm 2008, Mỹ đã cáo buộc Nga tái khởi động thử nghiệm tên lửa hành trình. Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2014 cũng công bố báo cáo trong đó chỉ trích Nga vi phạm INF. Nga đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc trên.

Liu Weidong, chuyên gia về quan hệ với Mỹ tại học viện khoa học xã hội Trung Quốc, nói rằng động thái của ông Trump sẽ giúp Mỹ tự do hơn trong việc phát triển và triển khai các vũ khí thương và vũ khí hạt nhân. Ông Liu cho rằng, động thái trên không chỉ gây ra mối đe dọa cho Trung Quốc hay Nga mà cho toàn thế giới.

Một bài báo đăng tải trên New York Times hôm 20/10 cho biết nếu Mỹ rút khỏi INF, nước này có nhiều khả năng sẽ triển khai phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa hành trình Tomahawk. Các tàu nổi và tàu ngầm hiện đã được trang bị tên lửa mang đầu đạn thường, nhưng giới chuyên gia cho rằng kịch bản Tomahawk mang đầu đạn hạt nhân hoàn toàn có thể xảy ra.

Đức Hoàng

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm