Mỹ răn đe Trung Quốc với siêu máy bay ném bom tàng hình B-21?
(Dân trí) - Không quân Mỹ ngày 26/2 đã công bố thiết kế cùng kế hoạch đặt mua 100 siêu máy bay ném bom tàng hình tầm xa B-21. Đây được tin là nỗ lực hòng ứng phó chiến lược phòng thủ A2/AD đang được Trung Quốc và nhiều nước sử dụng.
Thông tin được Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah James công bố tại hội thảo thường niên về tác chiến trên không của Hiệp hội Không quân Mỹ.
Theo đó mẫu B-21 sẽ là chiến đấu cơ ném bom tầm xa tàng hình thế hệ mới của Mỹ, thay thế cho người tiền nhiệm B-2 và B-52. Việc hình dáng bề ngoài của B-21 rất giống mẫu máy bay ném bom tàng hình B-2, do Northrop Grumman sản xuất, được bà James lí giải: "B-21 ngay từ đầu được thiết kế dựa trên một bộ tiêu chuẩn cho phép sử dụng các công nghệ đã hoàn thiện hiện có”.
Sau khi công bố hình dáng thiết kế, Không quân Mỹ dự kiến đến năm 2025 sẽ có mẫu B-21 đầu tiên với các tính năng vận hành sơ bộ. Máy bay được thiết kế để đảm bảo khả năng tàng hình, sử dụng cả vũ khí thông thường và hạt nhận, đồng thời có thể có người lái hoặc không.
Không quân Mỹ có kế hoạch đặt 80-100 chiếc B-21 sau khi giai đoạn thiết kế hoàn thiện.
Cuộc đua giành quyền thiết kế máy bay ném bom tầm xa (LRS-B) cho quân đội Mỹ từng là sự cạnh tranh quyết liệt giữa Northrop Grumman và liên minh Lockheed Martin - Boeing. Đến tháng 10 năm ngoái, Northrop Grumman chính thức được trao hợp đồng thiết kế, sản xuất mẫu máy bay này.
Ước tính chi phí cho giai đoạn phát triển và sản xuất B-21 vào khoảng 21,4 tỷ USD theo thời giá năm 2010. Tùy vào số lượng được đặt hàng sau khi giai đoạn thiết kế, phát triển hoàn tất, đơn giá mỗi chiếc B-21 sẽ thay đổi. Nhưng theo ước tính cho đơn hàng 100 chiếc, mỗi chiếc máy bay ném bom tầm xa này sẽ có giá 564 triệu USD theo thời giá hiện nay.
Ứng phó Trung Quốc, Nga
B-21 là một phần chiến lược trong sức mạnh không quân của Mỹ trong tương lai, và ít nhất nó là một phần biện pháp hóa giải năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) đang ngày càng trở nên phổ biến.
Có thể hiểu đơn giản A2/AD là những vũ khí và chiến thuật sẽ khiến các lực lượng Mỹ không thể tiếp cận lãnh thổ của đối phương trong bán kính hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cây số.
Trung Quốc và Nga là những nước đang phát triển và triển khai những năng lực cấp cao này. Tuy nhiên, công nghệ đó sẽ nhanh chóng trở nên phổ biến với các quốc gia khác.
Năng lực A2/AD bao gồm các hệ thống phòng không tích hợp với năng lực tấn công tầm xa, có thể bắt mục tiêu và bắn hạ các máy bay từ khoảng cách vài trăm cây số. Cùng với năng lực tên lửa đạn đạo ngày một cao, đối phương có thể đặt các căn cứ cố định và nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ khắp khu vực trong tầm hỏa lực.
Một quốc gia có năng lực A2/AD mạnh có thể tạo ra một bức tường thành vô hình, và dịch chuyển nó ra cách xa biên giới lãnh thổ của mình hàng nghìn cây số.
Với mối lo ngại này, Mỹ thiết kế B-21 để có thể xuyên thủng những hệ thống phòng không hiện đại nhất của kẻ thù, sau khi di chuyển hàng nghìn cây số từ các căn cứ an toàn. Một khi tiếp cận khu vực hoạt động, B-21 có thể đánh phá nhờ lượng tải vũ khí khổng lồ, đa dạng. Nói cách khác, máy bay ném bom này có thể đánh bại năng lực A2/AD thông qua tính năng tàng hình và đánh lạc hướng.
“Mục đích của việc tấn công tầm xa bằng mẫu máy bay ném bom này là nhằm khiến bất kỳ mục tiêu nào trên hành tinh cũng có nguy cơ gặp nguy hiểm, không phải tính bằng tuần hay tháng, mà là bằng giờ”, tướng Robin Rand, tư lệnh Bộ chỉ huy Tấn công Toàn cầu của Không quân Mỹ từng khẳng định với các nhà lập pháp hồi tháng 10 năm ngoái.
Giữ vai trò tương tự người mở đường cho các hệ thống chiến đấu trên không khác, nhiệm vụ của B-21 khi chiến sự nổ ra sẽ là đạp đổ “cánh cổng” vào thành lũy đối phương, bẻ gãy năng lực phòng thủ thông qua việc định vị và tấn công các công trình thông tin liên lạc. Việc này sẽ giúp các máy bay khác có thể tiến vào và bắt đầu loại trừ các mục tiêu của mình.
Ngoài ra, B-21 có thể giữ nhiều vai trò khác, bao gồm việc hoạt động như một trung tâm cảm biến và liên lạc tiền phương, giữ vai trò một hệ thống tác chiến điện tự và trinh sát, hoặc điều khiển số lượng lớn máy bay không người lái.
Thanh Tùng
Theo Foxtrotalpha, Diplomat