1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ "quan ngại sâu sắc" về những tiến bộ hạt nhân của Triều Tiên

(Dân trí) - Một quan chức cấp cao của Mỹ ngày 24/2 cho hay nước này đang "vô cùng quan ngại" về những tiến bộ hạt nhân của Triều Tiên sau khi một viện nghiên cứu Mỹ dự đoán Bình Nhưỡng có thể sở hữu khoảng 100 vũ khí hạt nhân trong 5 năm tới.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một chuyến thăm ( Ảnh:
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một chuyến thăm ( Ảnh: KCNA

Các chuyên gia tại Viện Mỹ-Hàn thuộc Trường nghiên cứu quốc tế cấp cao Johns Hopkins, Mỹ đã công bố những kết quả từ công trình nghiên cứu kéo dài 15 tháng về vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên. Họ đặt ra 3 tình huống giả định về kho dự trữ hạt nhân của nước này trong tương lai, mà theo đó số vũ khí hiện có ước tính vào khoảng 10-16. 

Trong tình huống thứ nhất, nếu công nghệ ít phát triển thì vào năm 2020 số vũ khí trong kho dự kiến ​​sẽ lên đến 20. Còn trong kịch bản thứ hai, số vũ khí có thể lên tới 50, ngoài ra những tiến bộ trong việc tối giản mô hình sẽ cho phép Triều Tiên lắp đầu đạn hạt nhân vào các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung thế hệ mới. 

Đồng tác giả của bản báo cáo, ông Joel Wit, mô tả “tình huống xấu nhất” với sự gia tăng đạt mức 100 vũ khí hạt nhân cùng tiến bộ công nghệ đáng kể cho phép Triều Tiên triển khai trận địa và vũ khí chiến lược nếu muốn. 

"Đây là một tình huống khá đáng sợ," ông Wit nói, đồng thời ông bổ sung Triều Tiên càng có nhiều vũ khí hạt nhân thì càng khó để ép nước này cắt giảm các chương trình hạt nhân của họ. 

"Theo tôi, trừng phạt một quốc gia sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân như vậy là một việc rất mạo hiểm", ông Wit cho hay.

Trong một hội nghị tại Washington, ông Sung Kim, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên cho biết, ông không thể  bình luận về kết quả của các chuyên gia tại Viện nghiên cứu Mỹ-Hàn, bởi ông chưa đọc bản báo cáo và các đánh giá đã được phân loại của chính phủ Mỹ. 

Khi được hỏi về bản báo cáo, ông Kim trả lời: "Hiển nhiên là chúng tôi quan ngại sâu sắc đến việc Triều Tiên đang tiếp tục phát triển khả năng hạt nhân; chúng tôi biết họ vẫn đang đẩy mạnh nghiên cứu chương trình hạt nhân của mình". 

Ông Kim cho hay mối quan ngại về các tiến bộ hạt nhân của Triều Tiên đã thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao quốc tế "nhằm tìm ra hướng đàm phán đáng tin cậy để có thể ngăn chặn khả năng phát triển hạt nhân của Triều Tiên". 

Ông bày tỏ Washington "không hề ảo tưởng" về chuyện Triều Tiên sẽ tự nguyện phi hạt nhân hoá và Mỹ sẽ "tiếp tục gây áp lực cả đa phương lẫn đơn phương", mặc dù biện pháp trừng phạt nhằm tăng chi phí trước đó đã thất bại.

Báo cáo còn cho biết các hệ thống tên lửa hiện nay của Triều Tiên có tầm bắn gần như rộng khắp Đông Bắc Á, đặc biệt là tầm bắn tới 2 nước kình địch là Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong tương lai, Bình Nhưỡng cũng có khả năng triển khai một lượng hạn chế tên lửa Taepodong, phiên bản quân sự của tên lửa không gian Space Launch Vehicle có thể vươn tới nước Mỹ. 

Thu Trà
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm