1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ, Phillipines muốn “gióng chuông” cảnh báo Trung Quốc

(Dân trí) -Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thách thức Trung Quốc về cơ sở pháp lý của “Đưỡng lưỡi bò”, Tổng thống Philipines so sánh Trung Quốc với Đức Quốc xã đều nhằm gióng lên hồi chuông cảnh báo Trung Quốc cần có những hành động có trách nhiệm hơn, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định.


Trả lời phỏng vấn của phóng viên Dân trí về phản ứng trên từ phía Mỹ, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công An, cho rằng, hồi chuông ấy đều xuất phát từ hành động phi lý, ngang ngược của Trung Quốc.

Thiếu tướng Lê Văn Cương (Ảnh Nam Hằng)

Thiếu tướng Lê Văn Cương (Ảnh Nam Hằng)

Vừa qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Danny Russel đã lên tiếng chỉ trích yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc và thách thức Trung Quốc đưa ra cơ sở pháp lý cho tuyên bố đơn phương này. Xin ông có thể cho biết bình luận về phản ứng này của Mỹ?

Trung Quốc tuyên bố họ có chủ quyền, quyền chủ quyền đối với vùng nước được bao chiếm trong “Đường lưỡi bò” nhưng không đưa ra một căn cứ pháp lý nào cả. Tham chiếu với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Luật biển năm 1982 thì không phải chỉ riêng Mỹ mà tất cả các quốc gia trung thực trên thế giới đều thấy yêu sách của Trung Quốc là phi lý, phi pháp. Không có một điều ước quốc tế nào cho phép Trung Quốc tuyên bố rằng họ có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với vùng nước bao chiếm bằng “Đường lưỡi bò” 9 đoạn phân khúc cả, vì thế có thể nói việc làm của Trung Quốc là ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế và bị cộng đồng quốc tế phản đối.

Phản đối Trung Quốc có nhiều mức độ khác nhau, nhiều quốc gia họ không đồng tình nhưng vì lợi ích quốc gia, vì quan hệ với Trung Quốc, do yếu tố này, yếu tố kia mà người ta không nói. Riêng Mỹ, Mỹ đã phản ứng nhiều lần nhưng lần này tuyên bố của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ là gay gắt, rõ ràng, mạch lạc và chính thức Mỹ thách thức Trung Quốc hãy đưa ra cơ sở pháp lý về yêu sách đối với vùng nước trong “Đường lưỡi bò”.

Nội dung tuyên bố của vị Trợ lý là sự chất vấn một cách rất nghiêm túc về mặt pháp lý. Đây có thể xem là lần đầu tiên phía Hoa Kỳ đã thách thức Trung Quốc, yêu cầu nước này phải lý giải cơ sở pháp lý nào để đưa ra yêu sách đối với chủ quyền của “Đường lưỡi bò”. Thái độ của Mỹ càng ngày càng rõ ràng và thái độ này được rất nhiều nước, kể cả Nhật Bản, Hàn Quốc...

Tuyên bố của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc có những hành động gây hấn với các nước. Ngày 23/11 năm 2013, Trung Quốc đưa ra vùng nhận dạng phòng không bao trùm lên vùng biển đảo mà hiện nay Nhật Bản đang quản lý, bao trùm lên hơn 2.000km2 và một số đảo của Hàn Quốc.

Không có điều ước quốc tế nào cho phép Trung Quốc làm chuyện này cả. Trung Quốc còn yêu cầu máy bay bên ngoài vào vùng này phải thông báo ngày giờ bay, nói rõ máy bay của nước nào, bay từ đâu đến, mục đích chuyến bay là gì…việc này là ngang ngược, có thể nói chủ động gây hấn.

Song song với việc đó, Trung Quốc tuyên bố vùng cấm đánh bắt cá, việc này nhiều nước cũng làm nhưng làm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, chứ không ai lại tuyên bố vùng cấm đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, điều hết sức phi lý và ngang ngược.

Phản ứng gay gắt của Mỹ cũng xuất phát từ hành động phi lý, ngang ngược của Trung Quốc, cũng có thể hiểu đây là những lời cảnh báo của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã so sánh nỗ lực của Trung Quốc nhằm tuyên bố chủ quyền tại các khu vực tranh chấp với các hành động của Đức Quốc xã. Theo ông, sự so sánh của Tổng thống Philippines Benigno Aquino có hàm ý gì không?

Đây là cách nói của một tổng thống, tôi thấy không có gì phải bàn luận cả, nên hay không nên thì chúng ta không nên bình luận, nhưng theo tôi, trong lời so sánh ấy cũng có những hạt nhân, có những cái đúng.

Năm 1933, nước Đức rơi vào tay Hitler, năm năm sau đó, Đức Quốc xã bắt đầu có những hành động gây hấn với một loạt các nước xung quanh. Tôi cho rằng, ý tứ của ông Aquino là muốn gióng lên hồi chuông với thế giới cần phải cảnh giác với Trung Quốc khi tiềm lực kinh tế đã đứng thứ 2 thế giới, người ta có thể bất chấp nhiều điều.

Cả ý kiến của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ và của Tổng thống Philippines đều gióng lên hồi chuông cảnh báo Trung Quốc cần có những hành động có trách nhiệm khi là một ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc, phải tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và tuân thủ hệ thống luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đã tham dự và cam kết như Công ước Luật biển năm 1982.

Việc làm phi pháp, phi lý của Trung Quốc trong những năm vừa rồi là vi phạm Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm tuyên bố Ứng xử của Trung Quốc và các nước ASEAN (DOC), đồng thời cũng đi ngược lại với lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố.

Tháng 10, tháng 11 năm 2013 tại hội nghị APEC 21, hội nghị ASEAN +3, ASEAN +1, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nói với lãnh đạo ASEAN rằng Trung Quốc và ASEAN là cùng vận mệnh, chúng ta cố gắng tiến tới một hiệp định hợp tác hữu nghị, nhưng cuối cùng những điều họ làm lại không phù hợp với điều họ nói.

Xin cảm ơn ông!


Nam Hằng
(Thực hiện)