1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ-Philippines lập tuyến phòng thủ ngăn Trung Quốc vươn tới đảo Guam

(Dân trí) - Manila và Washington sẽ thiết lập một tuyến phòng thủ nhằm kiềm chế Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương và ngăn chặn Bắc Kinh đe dọa các cơ sở quân sự Mỹ ở đảo Guam, giới phân tích cho hay.

Hình ảnh cho thấy Trung Quốc tiến hành cải tạo đảo

Hình ảnh cho thấy Trung Quốc tiến hành cải tạo đảo trên bãi đá Tư Nghĩa, thuộc quần đảo Trường Sa. (Ảnh: SMH)

Mỹ sẽ có thể sử dụng ít nhất 8 căn cứ quân sự tại Philippines và điều binh sĩ, máy bay quân sự và chiến hạm luân phiên tới đóng quân theo một thỏa thuận quân sự kéo dài 10 năm ký hồi tháng 4 năm ngoái.

Hai trong số 8 căn cứ này sẽ cho phép Lầu Năm Góc triển khai nhanh tới quần đảo Trường Sa tại Biển Đông, nơi Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động bồi đắp và tăng cường quân sự trái phép. Các căn cứ quân sự còn lại sẽ là các tiền đồn quan trọng cho phép Mỹ giám sát và hạn chế các bước tiến của quân đội Bắc Kinh.

Hiện các kế hoạch hợp tác quốc phòng đang trong quá trình xây dựng tại thủ đô Washington, Mỹ nhằm trực tiếp thách thức yêu sách ngang ngược trên Biển Đông của Trung Quốc thông qua các tàu chiến và máy bay, đồng thời ngăn cản quân đội Trung Quốc vượt Thái Bình Dương, các nhà phân tích cho hay.

Trung Quốc đã bồi đắp trên 800 ha trên 7 bãi đá ở Trường Sa ở Biển Đông, nơi Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền.
 
“Người Mỹ biết rằng họ chính là mục tiêu cuối cùng. Một khi Trung Quốc củng cố được vị thế của mình trên quần đảo Trường Sa, họ sẽ tiến đến chuỗi đảo tiếp theo: Đó chính là Guam”, ông Jose Custodio, chuyên gia tham vấn của quân đội Philippines, người cũng từng cố vấn cho một công ty quốc phòng Mỹ hợp tác với Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định.

Đảo Guam ở phía tây Thái Bình Dương là cảng nhà của một hạm đội tàu ngầm Mỹ, đồng thời là một căn cứ chiến lược của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ, chuyên hoạt động tại biển Thái Bình Dương.

Theo tờ Inquirer, sách trắng quốc phòng mới được công bố của Trung Quốc “bóng gió” rằng Mỹ chính là đối thủ của nước này khi đề cập đến “một số nước bên ngoài khu vực” đang “can thiệp vào các vấn đề trên Biển Đông”.
 
Xóa bỏ các căn của Mỹ là sai lầm

Mỹ cũng từng có các căn cứ quân sự thường trực tại Philippines, một trong số đó nằm tại vịnh Subic.
 
Subic, nằm ở phía bắc thủ đô Manila, là căn cứ lớn nhất của quân đội Mỹ nằm bên ngoài nước này, rộng tới 678 km2, có thể so sánh với diện tích của quốc đảo Singapore. Tuy nhiên, đến năm 1992, nước chủ nhà đã lấy lại các căn cứ quân sự này, Subic từ đó được chuyển đổi thành một khu kinh tế, nhưng các tàu hải quân của Mỹ vẫn tiếp tục cập bến tại đây.

Một căn cứ khác của Lầu Năm Góc tại Philippines là Clark, hiện đã trở thành một sân bay quân sự nhưng vẫn là nơi các máy bay trinh sát Mỹ cất cánh và hạ cánh. Tờ Inquirer của Philippines cho hay các máy bay trinh sát P8-A Poseidon của Mỹ, từng bị Trung Quốc xua đuổi bằng 8 lần phát cảnh báo khi phi cơ này bay qua quần đảo Trường Sa, đã cất cánh tại nơi đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nói rằng việc xóa bỏ các căn cứ của Mỹ là một sai lầm. "Nếu người Mỹ không rời đi, chúng ta sẽ không ở trong tình huống khó khăn như thế này", ông nói.

Theo ông Gazmin, Trung Quốc sẽ không bao giờ có thể tới gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham ở ngoài khơi bờ biển tỉnh Zambles của Philippines nếu quân đội Mỹ vẫn có mặt tại Subic. 

Người Mỹ khi đó đã sử dụng Scarborough như một "vùng ảnh hưởng", ông Gazmin nói. 

Kể từ năm 2012, sau một cuộc đối đầu hải quân căng thẳng với Philippines, Trung Quốc đã thiết lập thế phong tỏa quanh Scarborough/Hoàng Nham, xua đuổi các ngư dân Philippines. 

Ông Custodio cho rằng một khi các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa đi vào hoạt động và khi Mỹ ổn định, một tuyến phòng thủ sẽ hình thành ở Biển Đông.

Thoa Phạm-An Bình 
Theo ST