1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ - Nhật lên kế hoạch đối phó vũ trang với Trung Quốc trên biển

(Dân trí) - Mỹ và Nhật Bản đã xây dựng kế hoạch hành động chung giữa lực lượng vũ trang hai nước nhằm đối phó với những mối đe dọa từ Trung Quốc tại quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông.


Tàu sân bay USS Ronald Reagan tham gia cuộc tập trận hải quân chung với Nhật Bản và Canada hôm 3/11. (Ảnh: Reuters)

Tàu sân bay USS Ronald Reagan tham gia cuộc tập trận hải quân chung với Nhật Bản và Canada hôm 3/11. (Ảnh: Reuters)

Reuters dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết Mỹ và Nhật Bản đang thảo luận cách thức để đối phó với những tình huống khẩn cấp xảy ra trên hoặc xung quanh khu vực biển Hoa Đông. Tokyo và Washington đặt mục tiêu hoàn thành bản dự thảo kế hoạch này vào tháng 3 năm sau.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Nhật Bản theo Điều 5 của hiệp định an ninh giữa hai nước mở rộng tới quần đảo Sensaku trên biển Hoa Đông - nơi Nhật Bản và Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền. Theo điều khoản này, Mỹ có nghĩa vụ giúp đỡ chính quyền Nhật Bản bảo vệ lãnh thổ trong trường hợp bị tấn công vũ trang.

Tuy vậy, Mỹ nhiều lần khẳng định sẽ không giữ bất kỳ vai trò nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với các đảo trên biển Hoa Đông. Các đảo này hiện do Nhật Bản quản lý song Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư.

Bằng việc cùng nhau thảo luận về kế hoạch chung nhằm đối phó với nguy cơ xung đột tiềm tàng với Trung Quốc, Nhật Bản hy vọng Mỹ sẽ đóng vai trò chủ động hơn trong vấn đề chủ quyền của Tokyo.

Theo các nguồn tin, kế hoạch chung của Mỹ và Nhật Bản đã đưa ra giả định về một số trường hợp khẩn cấp như ngư dân Trung Quốc có vũ trang đổ bộ lên các đảo tranh chấp và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cần được huy động sau khi tình hình vượt quá khả năng ứng phó của cảnh sát.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng đã tự nghiên cứu những cách thức để đối phó với những mối đe dọa như vậy. Trọng tâm trong các cuộc trao đổi giữa giới chức Mỹ và Nhật Bản là tìm cách kết hợp giữa phương án ứng phó của Nhật Bản với năng lực tấn công của quân đội Mỹ.

“Các đơn vị quân sự luôn phải tính toán cho tình huống xấu nhất, do vậy việc hai nước phối hợp để xây dựng kế hoạch đối phó Trung Quốc là điều tự nhiên”, Bonji Ohara, cựu tùy viên hải quân từng làm việc tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh và hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Hòa bình Sasakawa, nhận định.

Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nhật Bản diễn ra trong khuôn khổ bản hướng dẫn quốc phòng được thiết lập hồi năm 2015 mang tên Cơ chế Lập Kế hoạch Song phương (BPM). Bản hướng dẫn này nêu rõ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ sẽ “tiến hành các hoạt động song phương nhằm chống lại các cuộc tấn công nhằm vào Nhật Bản”.

Ngoài ra, Mỹ và Nhật Bản cũng đã lên kế hoạch cho các hoạt động chung trong tình huống khẩn cấp trên bán đảo Triều Tiên và các tình huống khác.

Ngày 3/11, Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận chung lớn nhất nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng tác chiến ở khu vực tại và xung quanh Nhật Bản với sự tham gia của các máy bay chiến đấu Mỹ. Ngoài ra, tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ cũng tham gia tập trận cùng các tàu khu trục của Nhật Bản và tàu chiến của Canada.

Nhật Bản hiện vẫn xem Trung Quốc là đối thủ mạnh và đáng gờm hơn so với Triều Tiên khi Tokyo đang theo đuổi chính sách mở rộng hoạt động của lực lượng phòng vệ. Trung Quốc năm nay đã lên kế hoạch dành 1,11 nghìn tỷ nhân dân tệ (160 tỷ USD) cho lực lượng vũ trang, cao gấp 3 lần so với Nhật Bản.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm