1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ, Nhật, Australia tập trận rầm rộ trên Thái Bình Dương

(Dân trí) – Ngày 7/2, các chiến đấu cơ Mỹ, Nhật và Australia đã đổ về Thái Bình Dương để tham gia cuộc tập trận tác chiến thường niên giữa 3 nước. Sự kiện này càng thu hút sự chú ý giữa lúc Trung Quốc không ngừng phô trương sức mạnh.

Cuộc tập trận mang tên Cope North với sự tham gia của khoảng 1.700 binh sỹ nhằm chuẩn bị cho các lực lượng của Mỹ, Nhật và Australia sẵn sàng cùng tham chiến nếu có một cuộc khủng hoảng quân sự bùng phát. Trong cuộc tập trận, không quân Australia có 230 quân, Mỹ cử 1.000 quân còn Nhật Bản điều 350 quân.

Nhiều máy bay hiện đại tham gia Cope North 2013
Nhiều máy bay hiện đại tham gia Cope North 2013

Về khí tài, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Australia, không quân nước này cử 7 chiến đấu cơ F/A-18A Hornet, 1 chiếc E-7A Wedgetail, 1 máy bay tiếp nhiên liệu KC-30A và 1 máy bay vận tải C-130J Hercules.

Nhật cũng điều các chiến đấu cơ F-15J Eagle, máy bay hỗ trợ F-2, máy bay vận tải C-130 Hercules, máy bay tiếp nhiên liệu KC-767 và máy bay chỉ huy, cảnh báo sớm E-2C Hawkeye. Hùng hậu hơn cả là lực lượng của không quân Mỹ với các chiến đấu cơ F-16, máy bay ném bom B-52, chiến đấu cơ F-15 Eagle, máy bay vận tải C-130 Hercules…

Theo AP, cuộc tập trận cũng được xem như một lời nhắc nhở rõ ràng tới Bắc Kinh rằng mối quan hệ đồng minh của Mỹ trong khu vực vẫn rất mạnh, dù quan chức của các bên tham gia đều tuyên bố họ không có ý định chọc giận quân đội Trung Quốc.

Khoảng 1700 binh sỹ của 3 nước tham gia tập trận
Khoảng 1700 binh sỹ của 3 nước tham gia tập trận

“Cuộc diễn tập này không nhằm chống lại một quốc gia cụ thể, ví dụ như Trung Quốc”, Thiếu tướng không quân Nhật Masayuki Hironaka tuyên bố. “Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng quan hệ đồng minh thân thiết giữa chúng tôi với Mỹ và Australia là một thông điệp mạnh mẽ”.

Hồi đầu tuần này, cả 3 nước đã thực hiện những chuyến bay cùng nhau quanh đảo Guam của Mỹ trong một bài tập về cứu trợ nhân đạo, thả các gói hàng cứu trợ khẩn cấp bằng dù xuống các sân bay trong rừng.

Máy bay vận tải C130
Máy bay vận tải C130

Sang ngày hôm qua, ngoài các chiến đấu cơ tham gia tập trận còn có sự tham gia của các máy bay ném bom, máy bay vận tải, máy bay tiếp nhiên liệu trên không. Lần đầu tiên các máy bay tiếp nhiên liệu của Nhật cùng tham dự. Các quan chức Mỹ cho biết họ tin rằng sẽ còn có nhiều đồng minh hơn, nhất là New Zealand và Philippines, sẽ sớm tham gia cuộc tập trận này.

Các cuộc tập trận như Cope North được xem là một yếu tố then chốt trong việc điều chỉnh chiến lược hướng tới Thái Bình Dương của Washington. Theo chiến lược “tái cân bằng Thái Bình Dương”, Mỹ sẽ đưa thêm nhiều máy bay và tàu chiến hiện đại hơn tới khu vực này trong vòng vài năm tới, và hàng chục nghìn lính mỹ đang đồn trú chủ yếu tại Nhật và Hàn Quốc sẽ được điều động, phân bổ rộng hơn.

Máy bay vận tải dầu đa dụng KC-30A
Máy bay vận tải dầu đa dụng KC-30A

Những thay đổi này phản ánh mối lo ngại chiến lược ngày càng gia tăng của Mỹ đối với sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Điều này có thể ảnh hưởng tới khả năng can thiệp của Washington khi có khủng hoảng, nhất là quanh khu vực Đài Loan hoặc các đảo ở Đông và Nam Hoa Đông mà Bắc Kinh đang có tranh chấp với các đồng minh của Mỹ.

"Mỹ và các đối tác đang đưa mối quan hệ hợp tác tới một tầm cao mới", chỉ huy lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương, Tướng Herbert Carlisle khẳng định. “Khối lượng hàng hóa thương mại đi qua đây, GDP của khu vực và nếu bạn nhìn vào tỷ lệ dân số thế giới sống trong khu vực này, rõ ràng tầm quan trọng của Thái Bình Dương là không thể bàn cãi”.

Thanh Tùng
Tổng hợp