1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ muốn hồi sinh sân bay từng được dùng để ném bom nguyên tử

Quốc Đạt

(Dân trí) - Không quân Mỹ muốn hồi sinh sân bay bị bỏ hoang gần 80 năm qua ở Thái Bình Dương trong khuôn khổ dự án nhằm đảm bảo đội máy bay của nước này có thể phân tán an toàn nếu xung đột xảy ra.

Mỹ muốn hồi sinh sân bay từng được dùng để ném bom nguyên tử - 1

Máy bay B-29 của Mỹ chuẩn bị cất cánh từ đảo Tinian để ném bom xuống Nhật Bản vào năm 1945 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ).

Lực lượng Mỹ đang dọn dẹp vùng rừng rậm rạp đã bao phủ Sân bay Bắc trên đảo Tinian trong hàng chục năm qua, Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ xác nhận với Stars and Stripes ngày 27/12.

Sân bay ở Tinian - lãnh thổ của Mỹ cách đảo Guam gần 190km - từng là nơi khởi hành của máy bay Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản vào năm 1945.

Du khách đến Tinian lúc này vẫn có thể nhìn thấy những chiếc hố đặt 2 quả bom nguyên tử - Fat Man và Little Boy - trước khi chúng được chất lên máy bay B-29 đi đến Hiroshima và Nagasaki.

Thông tin về việc khôi phục sân bay ban đầu được tướng Kenneth Wilsbach, Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương nói với Nikkei Asia hôm 13/12.

Mỹ muốn hồi sinh sân bay từng được dùng để ném bom nguyên tử - 2

Vị trí đảo Tinian được đánh dấu đỏ (Ảnh: Google Maps).

Sân bay Bắc "có phần mặt đường rộng rãi bên dưới khu rừng rậm rạp", tướng Wilsbach nói. "Chúng tôi sẽ dọn sạch khu rừng đó từ nay đến mùa hè".

Ông Wilsbach không đưa ra mốc thời gian khi nào sân bay sẽ hoạt động trở lại.

Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng mà Quốc hội Mỹ thông qua gần đây đã bao gồm ngân sách cho quân đội vào năm 2024. Trong đó sẽ có hàng chục triệu USD dành cho các dự án trên đảo Tinian như 26 triệu USD để phát triển sân bay, 20 triệu USD cho nơi trữ nhiên liệu...  

Các dự án trên đảo Tinian là một phần trong chương trình của Mỹ nhằm khôi phục các sân bay thời Thế chiến II trên khắp Tây Thái Bình Dương.

Mục tiêu sau cùng của chương trình này là xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng để hỗ trợ năng lực chiến đấu linh hoạt, Chuẩn tướng Michael Zuhlsdorf, Phó Giám đốc tích hợp nguồn lực phụ trách kỹ thuật, hậu cần và bảo vệ lực lượng của Không quân Mỹ, cho biết trong sự kiện hồi tháng 8.

Năng lực chiến đấu linh hoạt là cụm từ chỉ khả năng nhanh chóng phân tán máy bay đến các sân bay nhỏ hơn trong mạng lưới để tránh trở thành mục tiêu của tên lửa trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Việc khôi phục sân bay ở Trinia cũng có thể đóng góp vào năng lực hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa, Trung tướng Không quân đã về hưu Dan Leaf, cựu phó chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói với Stars and Stripes hôm 26/12.

Theo Stars and Stripes