1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ mở phiên toà xét xử viên sĩ quan phản chiến

(Dân trí) - Hôm nay, 5/2, phiên tòa xét xử Trung úy lục quân Ehren Watada, người từ chối đến Iraq, đã được mở tại Tòa án quân sự của bang Washington.

Tháng 6/2006, Trung uý Ehren Watada, 29 tuổi, anh đã từ chối đến Iraq triển khai quân vì phản đối quyết định phát động cuộc chiến tại đây của Tổng thống Mỹ. Watda là sĩ quan đầu tiên của quân đội Mỹ công khai bày tỏ thái độ bất tuân lệnh điều động đến Iraq.

 

Ehren Watada phát biểu từ chối đến triển khai tại Iraq cùng với đơn vị: "Làm thế nào tôi lại có thể mặc bộ quân phục kinh khủng này tới nơi mà tôi biết rõ rằng, chúng ta tiến hành xâm lược quốc gia khác dựa vào sự dối trá".

 

Biên bản buộc tội ghi, ngày 6/6/2006, Ehren Watada đã công khai tuyên bố: "Tôi không bao giờ có thể tin rằng nhà lãnh đạo của chúng ta (Tổng thống) lại có thể phản bội niềm tin mà chúng ta đã dành cho ông... Khi đọc những lời dối trá mà chính quyền của ông Bush đã sử dụng để phát động và tiến hành cuộc chiến tranh này, tôi thực sự bị sốc.... Nếu Tổng thống phản bội niềm tin của tôi, tôi cũng cần có thời gian để kiểm tra lại những điều ông ấy yêu cầu tôi làm".

 

Ngay khi phiên tòa được mở, những người ủng hộ Ehren Watada kêu gọi tiến hành cuộc biểu tình trước căn cứ quân sự Fort Lewis thuộc tây bắc Mỹ và tổ chức ngày hành động quốc gia bằng một cuộc biểu tình trước Nhà Trắng. Ehren Watada có thể bị kết án 4 năm tù giam.

 

Năm 2003, Ehren Watada tự nguyện tòng quân phục vụ tại Hàn Quốc, rồi sau đó quay về Mỹ. Khi biết mình được điều động đến Iraq, Watada đề nghị được chuyển sang đơn vị khác và tham gia lực lượng quân đội Mỹ tại Afghanistan. Từ khi bị buộc tội, viên trung úy buộc phải làm việc trong một văn phòng ở Fort Lewis trong khi chờ phiên tòa mở.

 

Nghị sĩ đảng Dân chủ bang Washington, ông Mike Honda phát biểu trong xã luận của San Francisco Chronicle ngày 31/1: "Ehren Watada tự nguyện phục vụ trong quân đội sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 để bảo vệ gia đình và đồng bào mình. Anh ấy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình". Bình luận về quyết định phản đối tới Iraq của binh lính Mỹ, ông Honda cho biết: "Watada không phải là trường hợp duy nhất. Tất cả các cuộc thăm dò đều cho thấy, công chúng phản đối mạnh mẽ cách thức mà Tổng thống Bush tiến hành cuộc chiến tranh Iraq. Nhưng anh ấy là sĩ quan đầu tiên có hành động phản đối khi bị điều động đến Iraq".

 

Theo cuộc thăm dò mới công bố trên Tạp chí Newsweek, có tới 67% người Mỹ được hỏi cho rằng, các quyết định của Tổng thống Bush trong cuộc chiến Iraq và một số lĩnh vực khác thường là dựa trên niềm tin cá nhân hơn là vào thực tế.

 

Trong cuộc nói chuyện cuối tháng 1 vừa qua trên đài phát thanh NPR, Ehren Watada cho biết, anh không phải là người đầu tiên từ chối cầm súng vì thấy trái lương tâm và tháng 4/2006, anh đã xin ra quân đội để không phải đến Iraq. "Chính vì thế tôi đã quyết định đưa vụ việc ra công luận, nói với mọi người lý do khiến các binh lính Mỹ bị giết tại Iraq".

 

Trung úy Watada khẳng định, lính Mỹ có quyền từ chối không tuân theo mệnh lệnh bất hợp pháp, dựa trên điều lệnh quân sự hiện hành. Anh cũng tiết lộ: "Trong vụ này, thẩm phán đã báo trước không cho phép sự trình diện của bất cứ bằng chứng hay nhân chứng nào chứng minh cuộc chiến này là bất hợp pháp hay phi đạo đức. Tự ông ta đã quyết định rằng mệnh lệnh là hợp pháp và buộc tội tôi không tuân mệnh lệnh điều quân".

 

Ngọc Nhàn

Theo AFP, France 24

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm