1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ mạnh hơn nhưng thua Nga bởi...

Chuyên gia Nga bình luận, quân đội Mỹ thua Nga do luôn tránh đối đầu với các đối thủ mạnh nhưng sẵn sàng lập tức tấn công những kẻ yếu hơn.

Tướng Mỹ phàn nàn quân đội Mỹ đang yếu đi

Tờ Defense News của Mỹ dẫn lời Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Tướng Mark Milly ngày 23-3 cho biết, Mỹ hiện đang không chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến có thể với Nga và Trung Quốc và hoàn toàn có thể bại trận trong một cuộc chiến tranh tương lai.

Vị tướng này nhận định rằng, khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ đang giảm đi, trong bối cảnh vừa cắt giảm nhân sách quân sự, vừa phải tiến hành các cuộc chiến và hoạt động chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan.

Ông Mark Milly nhận định, hiện nay Lầu Năm Góc chỉ có đủ khả năng tiến hành các chiến dịch qui mô khu vực và chống lực lượng khủng bố nhưng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đối đầu với những cường quốc quân sự như Nga, Trung Quốc.

Trong bản báo cáo mật mới đây của NATO cho thấy, ngay cả trong cuộc chiến chống khủng bố, Washington cùng không vượt nổi Moscow. Ví dụ như trong chiến dịch quân sự chống IS ở Syria, hiệu quả của số lượng ít ỏi trang bị của Nga đã vượt trên liên minh quân sự 64 nước do Mỹ lãnh đạo.

NATO đã gửi đến Syria nhiều máy bay hơn số phi cơ của Moscow, nhưng chiến dịch của Nga cho thấy kết quả cao hơn nhiều nhờ kỹ năng tốt của các phi công và sức mạnh của các thiết bị quân sự Nga.

40 chiến đấu cơ của Nga bố trí tại Latakia thực hiện đến 75 chuyến bay xuất kích trong một ngày đêm, mỗi lần đều giáng đòn tấn công chính xác và hiệu quả vào các cứ điểm của IS. Trong khi đó, lực lượng NATO tổng cộng tới 180 máy bay chiến đấu nhưng mỗi ngày chỉ phá hủy được khoảng 20 mục tiêu.

Chuyên gia NATO đánh giá hiệu quả chiến đấu của Nga hơn Mỹ
Chuyên gia NATO đánh giá hiệu quả chiến đấu của Nga hơn Mỹ

Tài liệu còn cho biết, Nga đã sử dụng những kỹ thuật hiện đại nhất tại Syria, ví dụ như Moscow đã phái đến Latakia 4 chiếc Su-35, vượt trội phần lớn các máy bay do phương Tây sản xuất, hay hệ thống phòng không S-400 mà Patriot-3 (PAC-3) của Mỹ hay SAM/PT Aster-30 của châu Âu còn xa mới sánh kịp.

Theo nhóm chuyên gia NATO, đứng đầu là cựu tổng thư ký người Hà Lan của NATO là ông ông Jaap de Hoop Scheffer và cựu Phó Tư lệnh tối cao Các lực lượng vũ trang liên hợp của NATO ở châu Âu - tướng quân Anh Richard Shirreff, sự chững lại của Mỹ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng chiến đấu của NATO.

Hiện khối đồng minh quân sự này cũng đang lâm vào tình trạng sa sút và không thể triển khai một lực lượng cân xứng làm đối trọng với Nga.

Quân đội nhiều nước thành viên chủ chốt của liên minh đang ở tình trạng “thiếu kinh phí kinh niên, trầm trọng”, dẫn đến vũ khí trang bị thiếu thốn hoặc không được duy trì đầy đủ trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Hiện trạng đáng báo động đến nỗi, để triển khai một sư đoàn Bộ binh cơ giới vào trạng thái chiến đấu khẩn cấp và triển khai xa căn cứ cũng là “một thách thức nghiêm trọng” đối với NATO. Do đó, nếu có chiến tranh, khối này sẽ không phản ứng kịp với các động thái quân sự của Nga.

Quân đội Mỹ vẫn ở đẳng cấp vượt trội so với thế giới

Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Tướng Mark Milly cho biết, nước này cần chuẩn bị tiềm năng cần thiết để giao chiến với đối phương hùng mạnh, ví dụ như Nga, Trung Quốc, Iran và cả Triều Tiên. Đó là những mối lo ngại sâu sắc hiện nay của Lầu Năm Góc.

Về bản chất, quân đội Mỹ mạnh nhất thế giới về vũ khí, trang bị
Về bản chất, quân đội Mỹ mạnh nhất thế giới về vũ khí, trang bị

Tướng Milly nói thẳng ra rằng, quân đội Mỹ có thể chịu thất bại trong cuộc chiến quy mô lớn vì không thể phản ứng linh hoạt đến những hành động của đối phương để đạt được mục đích quân sự của mình.

Bình luận về lời tuyên bố này của tướng Milly trong một cuộc phỏng vấn của đài Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Ivan Konovalov, Giám đốc Trung tâm diễn biến chiến lược Nga cho rằng, không ai được đánh giá sai lầm về thực lực và sự đầu tư lớn cho quân đội của Hoa Kỳ.

Vừa qua, ứng cử viên Tổng thống hàng đầu của Đảng Cộng hòa Donald Trump cho biết, Hoa Kỳ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì sức mạnh của Khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương khi cung cấp ngân sách lớn và đóng vai trò chủ đạo trong tất cả các hoạt động của NATO.

Ông Trump nhấn mạnh rằng, tuy NATO chủ yếu là các nước châu Âu nhưng thực ra chỉ mình Mỹ bảo vệ châu lục này khi đóng góp binh lính và thậm chí đài thọ hầu như toàn bộ ngân sách hoạt động của khối (góp khoảng 75% tổng chi tiêu quân sự của các nước NATO).

Đầu tháng 2, tờ The Wall Street Journal cho biết rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã cho biết rằng, Mỹ sẽ tăng gấp 4 lần đầu tư quân sự vào châu Âu, từ mức 800 triệu lên đến 3,4 tỷ USD.

Số tiền này sẽ cho phép Mỹ có kinh phí để thực hiện các mục đích như gia tăng lực lượng quân sự Mỹ hiện diện ở châu Âu trên cơ sở luân chuyển, bố trí thêm và lưu trữ các loại vũ khí hạng nặng để Mỹ có thể nhanh chóng triển khai các đơn vị của mình "trong thời gian khủng hoảng".

Vị chuyên gia quân sự Nga cho rằng, không nên đánh giá thấp sức mạnh của Lầu Năm Góc. Vị tướng Mỹ đã lập danh sách này chỉ để nêu tên những kẻ thù của Hoa Kỳ, chứ không phải là những đối thủ thực sự. Quân đội Iran hay Triều Tiên không đủ khả năng để cạnh tranh với Mỹ.

Ông cho rằng, mặc dù Triều Tiên sở hữu một trong những lực lượng quân đội đông nhất thế giới, nhưng về mặt kỹ thuật quân sự, quân đội nước này vẫn bị tụt hậu vài chục năm so với thế giới. Còn người Iran cũng phải hiện đại hóa hàng loạt trang thiết bị mới có thể xây dựng được một đội quân hùng mạnh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự thế giới bình luận, mặc dù thực lực quân sự có thể vượt trội phần còn lại của thế giới nhưng nếu xảy ra chiến tranh với các đối thủ lớn, chưa chắc Hoa Kỳ đã nắm được phần thắng, bởi thắng bại trong một cuộc chiến tranh không chỉ phụ thuộc vào vũ khí.

Quân đội Mỹ thua bởi chỉ quen bắt nạt những kẻ yếu hơn?

Theo chuyên gia Ivan Konovalov khi quân đội Hoa Kỳ buộc phải chiến đấu với những đối thủ mạnh như Nga hay Trung Quốc thì rất khó nói trước, bởi lúc này ưu thế về vũ khí, trang bị của Mỹ là không quá vượt trội.

Nếu xảy ra chiến tranh thông thường giữa hai siêu cường Nga-Mỹ, chắc chắn quân đội Mỹ sẽ thất bại bởi 2 lí do.

Quân đội Nga, Trung Quốc hiện không thua sút nhiều so với Mỹ
Quân đội Nga, Trung Quốc hiện không thua sút nhiều so với Mỹ

Trước hết, quân đội Mỹ không có động lực để chiến đấu với tinh thần quyết tử

Mặc dù phim ảnh của Hollywood luôn đầy rẫy những hình ảnh các siêu anh hùng hoặc cả những người bình thường sẵn sàng hy sinh hoặc làm tất cả vì đất nước Hoa Kỳ, nhưng đó là trên lí thuyết.

Binh lính Mỹ phục vụ theo dạng hợp đồng, binh nghiệp đối với họ là 1 nghề kiếm tiền, do đó, không có động lực nào khiến họ phải chấp nhận hy sinh trong những thời khắc quyết định. Trong khi đó, quân Nga (trước đấy là Liên Xô) đã từng đánh nhau chí chết với Thụy Điển, Pháp, Đức… để bảo vệ Tổ quốc.

“…người Mỹ thiếu một yếu tố then chốt nào? Vào năm 2003, tại Iraq, tôi đã nói chuyện với nhiều binh sĩ Mỹ. Tất cả họ đều tuyên bố đến đây chiến đấu theo mệnh lệnh của cấp trên. Họ không có động lực - đây là lý do tại sao Hoa Kỳ có thể bị thất bại về mọi mặt" - chuyên gia Konovalov nói.

Không có động lực, hay nói khác đi là không có lí tưởng, quân đội Mỹ sẽ trở thành những cỗ máy đánh thuê vô hồn, cỗ máy đó chỉ 1 chi tiết vận hành không trơn tru là toàn bộ sẽ tê liệt.

Nguyên nhân thất bại thứ 2 là quân đội Mỹ “chỉ quen bắt nạt những kẻ yếu hơn”.

Ông Konovalov lưu ý rằng, các quan chức quân sự Mỹ không ngừng nói về sự chuẩn bị đáp trả "mối đe dọa khủng khiếp từ phía Nga", tuy nhiên, quan điểm của giới chức lãnh đạo Lầu Năm Góc không phải lúc nào cũng trùng hợp với quan điểm của các chính trị gia của Nhà Trắng.

Các chính trị gia Mỹ trên thực tế chưa bao giờ đề cập đến những kịch bản “Ngày tận thế” và chưa từng tuyên bố về một kịch bản chiến tranh với Nga, bởi họ hiểu cái giá phải trả khi đối đầu quân sự với Moscow, thậm chí là cả Trung Quốc, Iran...

Nếu đối đầu với quân đội Nga, quân đội Mỹ sẽ thất bại?
Nếu đối đầu với quân đội Nga, quân đội Mỹ sẽ thất bại?

Chính vì thế, mặc kệ các quan chức Lầu Năm Góc nói gì thì nói, trong suốt toàn bộ chiều dài lịch sử của mình, quân đội Mỹ chưa bao giờ sẵn sàng chiến đấu với một siêu cường, nhưng luôn nhanh chóng quyết định mở cuộc tấn công vào những đối thủ mà họ cho là yếu hơn hẳn.

Trong khi đó, Moscow lại biết điều đó, bởi trong lịch sử nước Nga đã từng chiến đấu và chiến thắng những kẻ thù mạnh hơn mình rất nhiều như quân đội Pháp thời Napoléon Bonaparte, quân đội phát xít Đức dưới thời Adolf Hitler.

Việc Hoa Kỳ không tham gia các cuộc chiến tranh thực sự với những đối thủ mạnh ngang mình hoặc chí ít là cũng gần bằng, nên họ không hề biết thế nào là chiến đấu hết sức mình và không biết tới đâu là giới hạn chiến đấu của mỗi cá nhân và cả quân đội.

Do đó, nếu vấp phải những cuộc chiến tranh đòi hỏi phải huy động tất cả ý chí, quyết tâm thì quân đội Mỹ sẽ không tự tin, dẫn đến không phát huy được khả năng của con người và vũ khí, nên rất khó thắng trước các đối thủ mạnh, thậm chí có thể là thua cả những đối thủ yếu hơn mình.

Theo Nhật Nam

Đất Việt