1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ lên kế hoạch hỗ trợ Australia chế tạo tên lửa

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết Mỹ có kế hoạch hỗ trợ Australia chế tạo tên lửa trong những năm tới.

Mỹ lên kế hoạch hỗ trợ Australia chế tạo tên lửa - 1

Một tên lửa của Mỹ (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sau cuộc hội đàm cấp bộ trưởng Mỹ - Australia hôm 29/7, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết các chuyến thăm của tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Mỹ tới vùng biển Australia dự kiến sẽ diễn ra thường xuyên hơn.

"Việc chế tạo tên lửa dự kiến bắt đầu ở Australia trong hai năm tới như một phần của nền tảng công nghiệp chung giữa hai nước", ông Marles nói.

Bộ trưởng Austin khẳng định Mỹ sẵn sàng giúp Australia sản xuất các hệ thống tên lửa phóng loạt dẫn đường vào năm 2025.

Bộ trưởng Austin cho biết Mỹ cũng đang lên kế hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán vũ khí với Australia và tăng cường hợp tác.

"Chúng tôi đang chạy đua để tăng tốc khả năng tiếp cận của Australia với các loại vũ khí ưu tiên thông qua quy trình mua sắm phù hợp. Chúng tôi cũng vui mừng thông báo rằng chúng tôi đang thực hiện các bước để giúp Australia có thể bảo trì, sửa chữa và đại tu các loại vũ khí quan trọng có nguồn gốc từ Mỹ", ông Austin nói thêm.

Bộ trưởng Blinken và Austin đã tham gia Đối thoại thường niên cấp Bộ trưởng Mỹ - Australia (AUSMIN) lần thứ 33 trong khuôn khổ các chuyến thăm tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Chuyến công du của Bộ trưởng Austin cũng bao gồm một điểm dừng chân ở Papua New Guinea, trong khi Ngoại trưởng Blinken dự kiến thăm Tonga và New Zealand.

Các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Australia diễn ra trong bối cảnh hai nước tăng cường liên minh ba bên AUKUS gồm Australia, Anh và Mỹ. Hiệp ước AUKUS nhằm tăng cường hợp tác an ninh giữa ba quốc gia, bao gồm việc chuyển giao tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia.

Theo Sputnik