1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ lạnh lùng sau phản ứng Nga-Trung về THAAD

Mỹ khẳng định tiếp tục tiến trình triển khai tên lửa THAAD tại Hàn Quốc bất chấp sự phản đối của Nga-Trung.

Ngày 29/4, Nhà Trắng khẳng định rằng bất chấp sự phản đối của Trung Quốc và Nga, các cuộc đàm phán về việc thiết lập Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc sẽ được tiếp tục, sau các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Trả lời báo giới, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho hay: "Các cuộc thảo luận này đang diễn ra. Thiết bị này (THAAD) nhằm vào mối đe dọa từ Triều Tiên, chứ không phải Trung Quốc hay Nga".

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest

Tuyên bố của Mỹ đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị cùng ngày bày tỏ quan ngại về khả năng Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc.

Sau cuộc hội đàm song phương tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, hai quan chức này còn kêu gọi sớm nối lại các vòng đàm phán sáu bên về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Lâu nay, Nga và Trung Quốc vẫn bày tỏ phản đối việc triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc do lo ngại radar của hệ thống này có thể theo dõi cả các hoạt động của hai nước trên.

Trong khi đó, Hàn Quốc và Mỹ đã nhiều lần tuyên bố rằng THAAD chỉ là để bảo vệ Hàn Quốc tốt hơn trước các mối đe dọa về tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Hồi đầu tháng 3, trong khuôn khổ vòng tham vấn về an ninh Đông Bắc Á tại Moskva, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu cũng cho rằng việc triển khai THAAD sẽ làm leo thang căng thẳng, gây phương hại đến tình trạng cân bằng chiến lược trong khu vực và trực tiếp làm tổn hại các lợi ích an ninh chiến lược của Bắc Kinh cũng như Moskva.

Ngoại trưởng Nga Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh ngày 29/4
Ngoại trưởng Nga Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh ngày 29/4

Ngoại trưởng Vương Nghị hồi tháng 2 vừa qua cũng cho rằng kế hoạch triển khai THAAD của Mỹ và Hàn Quốc “vượt quá nhu cầu phòng thủ trên bán đảo Triều Tiên”, đồng thời kêu gọi Mỹ cân nhắc lại chiến lược của mình.

Ông nói: “Các thông số quá rõ ràng. Việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD vượt xa nhu cầu phòng thủ trên bán đảo Triều Tiên và tầm che phủ của nó sẽ đi sâu vào lục địa châu Á. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc và các nước châu Á khác”.

Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh: “Những người bình thường cũng có thể thấy được rằng kế hoạch triển khai THAAD không đơn thuần chỉ nhằm bảo vệ Hàn Quốc mà còn có mục đích khác, thậm chí là còn có khả năng nhằm vào Trung Quốc”.

Ngày 4/3, Hàn Quốc thông báo nước này và Mỹ đã quyết định bắt đầu cuộc đàm phán chính thức về việc triển khai THAAD sau vụ Triều Tiên thử hạt nhân hôm 6/1 và phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh lên quỹ đạo hôm 7/2.

Mỹ và Hàn Quốc cũng kêu gọi Trung Quốc cần tham gia vào các cuộc đàm phán về THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc, vấn đề liên quan đến sự sống còn của Seoul trước các nguy cơ tấn công hạt nhân từ Triều Tiên.

THAAD đang khiến Nga-Trung lo ngại
THAAD đang khiến Nga-Trung lo ngại

Phát biểu trong một cuộc hội thảo ngày 18/4 tại Washington, ông Shin Beomchul, người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh, nguy cơ từ Triều Tiên không phải là nguy cơ thông thường mà liên quan trực tiếp tới tham vọng hạt nhân của nước này, đe dọa sự tồn vong của Hàn Quốc.

Theo quan chức Hàn Quốc, các bên cần làm sáng tỏ những sự hiểu lầm nhưng ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo an ninh cho Seoul.

Trong khi đó, ông Mark Lambert, Giám đốc Văn phòng về các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng cho rằng cần có thêm các cuộc trao đổi với Trung Quốc về THAAD.

THAAD là hệ thống do Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) phát triển, được thiết kế bắn tên lửa tiêu diệt các tên lửa đạn đạo của đối phương ở bên trong hoặc bên ngoài khí quyển của Trái Đất trong giai đoạn bay cuối cùng trước khi tới mục tiêu.

Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối kế hoạch triển khai THAAD tại Hàn Quốc, cho rằng hệ thống này đe dọa trực tiếp các lợi ích an ninh vì radar của THAAD có thể phát hiện các tên lửa ở vị trí cách 2.000 km, tức là thấy được cả các tên lửa trên lãnh thổ Trung Quốc.

Theo Phong Sinh

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm