1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ lại gửi thông điệp cho Trung Quốc

Mỹ vẫn “giữ vững” các cam kết bảo đảm an ninh cho Nhật Bản vốn được Washington đưa ra trong hiệp ước đồng minh với Tokyo.

Ngoại trưởng Kerry và Thủ tướng Abe (Ảnh:
Ngoại trưởng Kerry và Thủ tướng Abe (Ảnh: AP)
 
Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với các quan chức cấp cao Nhật Bản tại một buổi họp báo ở New York hôm 27/4. Những cam kết này bao trùm tất cả các vùng lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của Tokyo, kể cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp với Trung Quốc.

Đây cũng là thông điệp cho Trung Nam Hải về sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Kerry nhắc lại, Mỹ bác bỏ bất cứ quan điểm nào cho rằng tự do hàng hải và hàng không là những đặc quyền của nước lớn cấp cho nước nhỏ theo ý muốn và sở thích của họ.

Cùng ngày, Nhật Bản và Mỹ đã công bố các nguyên tắc chỉ đạo hợp tác quốc phòng mới, phản ánh việc Tokyo sẵn sàng đảm nhận một vai trò quốc tế mạnh mẽ hơn trong bối cảnh sức mạnh của Trung Quốc ngày một gia tăng và người ta ngày càng quan ngại về mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Đường lối hợp tác quốc phòng mới này được đánh giá sẽ làm thay đổi tính chất liên minh quân sự Nhật-Mỹ.

Bản cập nhật đầu tiên đường lối hợp tác quốc phòng kể từ năm 1997 cho phép Mỹ và Nhật Bản triển khai hợp tác quân sự trên phạm vi toàn cầu, từ việc phòng thủ chống tên lửa đạn đạo, các cuộc tấn công mạng và tấn công từ không gian, tới an ninh hàng hải.

Theo nguyên tắc chỉ đạo mới, Nhật Bản có thể hỗ trợ các lực lượng Mỹ bị nước thứ 3 đe dọa hoặc có thể triển khai các tàu quét thủy lôi tham gia một nhiệm vụ ở Trung Đông.
 
Binh sỹ Nhật Bản trong một cuộc tập trận chung với Mỹ
Binh sỹ Nhật Bản trong một cuộc tập trận chung với Mỹ

Những tuyên bố hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và Nhật Bản thời gian gần đây có lẽ khiến Trung Quốc không khỏi lo lắng. Mới đây, Washington và Tokyo cũng đang xem xét việc tuần tra chung trên Biển Đông.

Cũng trong tháng 4 này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã nói thẳng trong cuộc thảo luận về chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á tại New York: "Chúng ta đang chứng kiến cách hành xử như ở thế kỷ 19 của Trung Quốc ở Biển Đông, điều này dẫn đến việc Mỹ cần phải có sự hiện diện về phương diện an ninh ở khu vực để ngăn Bắc Kinh hăm dọa các nước nhỏ hơn, để các nước này tin rằng họ không bị đẩy sang một bên".

Bởi thế, một lần nữa, thông điệp mà Mỹ muốn gửi tới Trung Quốc đã rất rõ ràng, rằng với lối hành xử ngày càng ngang ngược của Trung Quốc, Mỹ có lý do chính đáng để tiếp tục đầu tư vào năng lực quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương nhằm gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực.

Theo Minh Thái (tổng hợp)
Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm