1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ kích hoạt tiến trình rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris lịch sử

(Dân trí) - Mỹ đã chính thức kích hoạt tiến trình rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, đưa Mỹ trở thành quốc gia duy nhất không tham gia hiệp ước lịch sử này. Các nước đã bày tỏ sự thất vọng về quyết định của Washington.

Mỹ kích hoạt tiến trình rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris lịch sử - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris lịch sử (Ảnh: AFP)

Chính quyền Trump ngày 4/11 đã chính thức thông báo cho Liên Hợp Quốc về việc rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Thỏa thuận được 188 quốc gia trên khắp thế giới nhất trí vào năm 2015 nhằm chống lại tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thỏa thuận Paris đặt mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở mức 1,5 độ C.

Thông báo trên khởi đầu cho tiến trình dự kiến kéo dài 1 năm để chính thức đưa Mỹ ra khỏi thỏa thuận này vào ngày 4/11/2020, tức là một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm tới.

Tuyên bố rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris từng là một trong những cam kết tranh cử tổng thống của ông Trump, và nhà lãnh đạo Mỹ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngay sau khi nhậm chức vào năm 2017. Nhưng theo các quy định của Liên Hợp Quốc, Mỹ chỉ có thể bắt đầu tiến trình rút ra khỏi hiệp ước từ ngày 4/11/2019.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 5/11 giải thích rằng thỏa thuận khí hậu Paris áp đặt “gánh nặng kinh tế không công bằng” đối với Mỹ. Ông nói với hãng tin Fox News rằng Mỹ “đang phải chịu sự hạn chế” và bị mất nhiều việc làm do thỏa thuận.

Ông Pompeo nói, thay vào đó, Mỹ sẽ theo đuổi “một mô hình thực tế và thực dụng hơn”, sử dụng “tất cả các nguồn năng lượng và công nghệ sạch, hiệu quả”.

Quyết định của ông Trump đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới không tham gia thỏa thuận.

Bất chấp quyết định của chính phủ Mỹ, hàng trăm chính quyền địa phương, các công ty và tổ chức tại Mỹ đã tham gia phong trào “Chúng tôi sẽ vẫn tham gia” nhằm cam kết cắt giảm khí thải và ủng hộ năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, các nhà khoa học và các nhà môi trường lo ngại rằng động thái của chính quyền Trump sẽ có tác động tới các nỗ lực bảo vệ khí hậu. Một báo cáo ra tháng 12/2018 của Viện các vấn đề châu Âu và quốc tế cho rằng việc Mỹ rút đã gây tổn hại rất thực tế đối với thỏa thuận, tạo ra các vỏ bọc chính trị và đạo đức để các nước khác làm theo.

Các chính trị gia đảng Dân chủ đã lên tiếng chỉ trích quyết định của chính quyền Trump. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi lên án động thái của ông Trump là một quyết định tai hại, làm tổn hại tương lai của con cái chúng ta”, trong khi cựu Phó tổng thống Al Gore chế nhạo những người “hi sinh hành tinh vì lòng tham”.

Pháp và Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích quyết định của chính quyền Trump.

An Bình

Theo BBC