Mỹ không trung lập trong tranh chấp ở Biển Đông
Mỹ không trung lập khi xét đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế về vấn đề Biển Đông và sẽ hành động mạnh mẽ để bảo đảm rằng tất cả các bên đều tuân thủ luật – Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tuyên bố ngày 21/7.
Dù luôn tuyên bố không thiên vị bất kì bên nào có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Mỹ cho rằng các bên cần phải giải quyết bất đồng phù hợp luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực. Cách diễn đạt này dẫn đến việc một số người nhầm rằng Mỹ giữ thái độ trung lập, riêng Trung Quốc thì nói rằng Washington “thiên vị”.
Tuy nhiên, trước câu hỏi của đại diện Trung Quốc về khái niệm “trung lập” trong vấn đề Biển Đông, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã nói rõ rằng tính trung lập kia chỉ xét đến thái độ với “các bên có tuyên bố chủ quyền”, chứ không phải là về cách thức giải quyết tranh chấp.
Trong bài phát biểu đề dẫn tại cuộc hội thảo lần thứ năm về Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức tại Washington ngày 21/7, ông Russel nói: “Chúng tôi không trung lập khi nói đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ hành động mạnh mẽ để buộc các bên tuân thủ luật lệ… Chúng tôi đang thúc đẩy các bên làm sống lại tinh thần hợp tác”. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết, Washington đang hối thúc các bên có tranh chấp ở Biển Đông tạo dựng bầu không khí và các điều kiện cần thiết để xử lý tranh chấp hòa bình, ngoại giao, đúng luật, dù có xuất hiện căng thẳng gần đây do một số hoạt động của Trung Quốc.
Theo ông Russel, mấu chốt chính nằm ở việc hạ nhiệt căng thẳng, tạo ra không gian để theo đuổi đường hướng giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình như thông qua đàm phán, cơ chế trọng tài. Vị quan chức ngoại giao Mỹ khuyến khích tất cả các bên dừng ngay các hoạt động đi ngược lại tinh thần này – ví như việc xây dựng “đảo nhân tạo”, xây dựng các công trình, quân sự hóa các cấu trúc đảo. Gần đây, Bắc Kinh đã tiến hành xây “đảo nhân tạo” quy mô lớn ở Biển Đông, khiến nhiều nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế lo ngại. Ông Russel cũng cho biết, Ngoại trưởng John Kerry sẽ thúc đẩy bước tiến trên mặt trận này tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) được tổ chức tại Malaysia trong tháng tới và nói rằng “đây là một ưu tiên quan trọng".
Đề cập đến cách thức giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình qua đối thoại song phương, ông Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thừa nhận rất khó để theo đuổi tiến trình này với một bầu không khí như hiện nay. Dù không trực tiếp nhắc tới Trung Quốc, nhưng ông lưu ý các tuyên bố mang tính “đóng đinh” khẳng định chủ quyền “không thể tranh cãi” sẽ làm cho đối thoại thêm khó khăn. Tuy vậy, vẫn có những trường hợp xử lý thành công, ví như các tranh chấp giữa Indonesia và Philippines, Malaysia với Singapore, Bangladesh với Myanmar.
Đề cập đến hướng xử lý thứ hai – cơ chế trọng tài, ông Russel đặc biệt lưu ý vụ Tòa trọng tài Quốc tế ở La Haye đang xem xét đơn Philippines khởi kiện Trung Quốc. Ông nhấn mạnh, bất kể kết cục ra sao, Bắc Kinh và Manila đều phải tuân thủ phán quyết có tính ràng buộc của tòa, vì cả hai đều tham gia ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. “Tuân thủ luật pháp, cả Trung Quốc và Philippines đều phải có nghĩa vụ tuân thủ quyết định được đưa ra, dù có thích hay không” – ông Russel bình luận.
Ông nói rằng Washington sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình theo những cách thức khác nhau: Tuân thủ các cam kết đồng minh, an ninh, trợ giúp có hiệu quả đối với các tổ chức tại khu vực, tiến hành các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trong phần cuối bài phát biểu, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khái quát: Mấu chốt không phải là các rạn đá, bãi cạn; vấn đề là luật lệ, là tình cảm láng giềng mà mọi người ai cũng muốn sống chung.
Theo Hoài Thanh/The Diplomat/baotintuc.vn
CSIS bàn về Biển Đông tại Washington Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ) ngày 21/7 tổ chức Hội thảo thường niên lần thứ 5 về Biển Đông - diễn đàn để giới học giả trao đổi về những diễn biến mới nhất và phân tích các lựa chọn chính sách tại vùng biển này. Theo phóng viên TTXVN tại Washington, hội thảo kéo dài một ngày này được chia làm bốn nội dung thảo luận chính gồm: Các diễn biến gần đây trên Biển Đông, Các vấn đề pháp lý và các quan ngại, Cán cân quân sự-trật tự khu vực và Can dự trong một cuộc khủng hoảng. Hai vấn đề “nóng” tại cuộc hội thảo lần này là việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) của Liên hợp quốc và việc Trung Quốc thời gian qua tiến hành xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. Một số học giả cho rằng nếu tòa án có trụ sở tại Hague (La Haye, Hà Lan) thụ lý và ra phán quyết có lợi cho Philippines, đó sẽ là một sự khích lệ cho khả năng giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp pháp lý. Tuy nhiên, các học giả cũng đề cập tới vấn đề phán quyết của tòa án tuy mang tính ràng buộc pháp lý, song lại không có cơ chế thực thi, do đó sẽ không ảnh hưởng nhiều tới cách hành xử của Bắc Kinh. Một học giả phát biểu tại hội nghị CSIS. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel nhắc lại quan điểm Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, song khẳng định các tranh cãi phải được giải quyết bằng giải pháp ngoại giao, dựa trên luật pháp quốc tế và Mỹ phản đối mọi hành động hăm dọa hay cưỡng ép. Về việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo và đường băng ở Biển Đông, một số học giả cáo buộc Bắc Kinh đang thay đổi nguyên trạng tại vùng biển này. Trợ lý Ngoại trưởng Russel cho biết Trung Quốc đang tiến hành hoạt động này với tốc độ nhanh chưa từng có. Cố vấn cấp cao về châu Á của CSIS Bonnie Glaser nhận định việc Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động xây dựng đường băng trên các đảo nhân tạo là nhằm tăng cường sự hiện diện và thực thi quyền kiểm soát trên biển ở Biển Đông. Bà cũng không loại trừ mục đích quân sự của các hoạt động này. Cuộc hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia học giả quốc tế tới từ Trung Quốc, Philippines, Mỹ và một số quốc gia trong khu vực như ông Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới; Giáo sư Peter Jennings, Giám đốc điều hành Viện Chính sách chiến lược Australia; ông Ngô Sĩ Tồn, Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc gia về Biển Đông (Trung Quốc) và ông Renato de Castro, Khoa Nghiên cứu quốc tế, Đại học Dela Salle (Philippines). Tham dự cuộc hội thảo bên phía Việt Nam có hai học giả là Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam và bà Phạm Lan Dung tới từ Học viện Ngoại giao. Các quan chức Mỹ tham dự cuộc hội thảo với hai bài phát biểu đáng chú ý của Hạ nghị sĩ Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban các lực lượng và sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện, và của Trợ lý Ngoại trưởng Russel. Theo TTXVN/baotintuc.vn |