1. Dòng sự kiện:
  2. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Ông Trump bị ám sát hụt

"Mỹ không phải là kẻ chiến bại ở Iraq"

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld hôm qua khẳng định Washington không phải là kẻ chiến bại trong chiến tranh Iraq. Ông cũng cho biết sẽ là sai lầm nếu đưa ra thời hạn để rút quân đội về nước.

"Những ai nói rằng chúng tôi đã thua trong cuộc chiến tại Iraq đều sai lầm. Chúng tôi không phải là những kẻ chiến bại", ông phát biểu trước các uỷ ban của Thượng và Hạ viện Mỹ. "Thành công không hề đến một cách dễ dàng. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn song chúng ta hãy xem xét những gì đã làm được trong vòng 12 tháng qua".

 

Bộ trưởng ngụ ý tới việc tổ chức các cuộc bầu cử thành công tại Iraq hồi tháng giêng, những tiến triển trong kinh tế và an ninh của đất nước này.

 

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc định ngày rút quân chỉ khiến lực lượng nổi dậy tại Iraq cảm thấy nhẹ nhõm. Theo ông, trong những năm gần đây quân nổi dậy đã "chịu thương vong lớn và ngày càng ít người ủng hộ chúng". Do đó, đưa ra thời hạn rút quân là sai lầm và vì "Mỹ đã cam kết hoàn thành nhiệm vụ tại Iraq nên chúng ta phải làm được điều đó".

 

Chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân Mỹ Richard Myers lên tiếng ủng hộ Rumsfeld, cho biết "rời khỏi Iraq trước khi nhiệm vụ kết thúc sẽ là một thảm hoạ".

 

Mỹ hiện có 135.000 quân tại Iraq. Lầu Năm Góc cho hay họ đã huấn luyện 168.500 cảnh sát và nhân viên quân đội Iraq.

 

Tuy nhiên, Chỉ huy quân đội Mỹ ở Trung Đông Tướng John Abizaid tỏ ra không mấy lạc quan về tình hình Iraq cho biết trong 6 tháng qua chiến binh nước ngoài liên tục xâm nhập vào nước này. Ông cho hay những kẻ đánh bom liều chết từ Algeria, Tunisia, Ảrập Xêút, Morocco và Jordan đã tới Iraq qua một trạm chuyển tiếp ở Damacus, Syria.

 

Một nhóm nhỏ trong Quốc hội đã đề nghị giải pháp kêu gọi Tổng thống Mỹ George Bush bắt đầu đưa quân đội Mỹ từ Iraq trở về đến tháng giêng năm 2006.

 

Thượng nghị sĩ Dân chủ Edward Kennedy cho rằng những tiên liệu của Rumsfeld đã sai trong quá khứ và liên tục kêu gọi ông thoái vị.

 

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định bạo lực liên tục tiếp diễn tại Iraq khiến một số chỉ huy quân đội Mỹ phải rút lại những tiên đoán lạc quan rằng số quân của họ có thể được cắt giảm trong thời gian tới. Trong khi các lực lượng an ninh mới của Iraq lớn lên về số lượng, hiệu quả hoạt động của họ vẫn còn nằm trong vòng nghi ngờ.

 

Theo Hải Ninh

Vnexpress/BBC