1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ không có chiến lược thực sự đối phó với Trung Quốc

Theo Ronald O'Rourke, chuyên gia phân tích hải quân tại Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, Washington hiện không có chiến lược thực sự nào để đối phó với Trung Quốc, ngay cả khi Bắc Kinh thách thức thay đổi nguyên trạng về chủ quyền lãnh thổ tại các khu vực tranh chấp ở châu Á.


 

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: Indiandefence

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: Indiandefence

"Chúng ta có thể có các kế hoạch tác chiến bí mật trong dài hạn và quyết định xem liệu chúng có đáp ứng với một chiến lược để tiến hành một cuộc chiến tranh ở mức độ cao hay không. Nhưng đối với các tình huống chiến tranh xảy ra trong thời gian ngắn, rõ ràng là chúng ta chưa có một chiến lược về vấn đề này", ông Ronald O'Rourke nói trước Quốc hội Mỹ.

Cùng quan điểm trên, Jim Thomas, chuyên gia tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách khẳng định Mỹ vẫn chưa có chiến lược ngắn hạn để đối phó với Trung Quốc.

Trong khi đó, phát biểu tại phiên điều trần thảo luận về sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc vào cuối ngày 11/12, ông Randy Forbes, Chủ tịch tiểu ban Hạ viện về các cường quốc biển, cho rằng nỗ lực liên tục của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên một số đảo và tuyên bố của nước này gần đây về việc thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, là dấu hiệu cho thấy sự tự tin của Bắc Kinh với sự hỗ trợ bởi sức mạnh ngày càng tăng của hải quân nước này.

“Hiện đại hóa hải quân là một sự phát triển tự nhiên cho bất kỳ quốc gia biển nào kể cả Trung Quốc, nhưng rõ ràng việc hiện đại hóa được chính phủ Trung Quốc khuyến kích nhằm mở rộng lợi ích của họ bằng cách ‘bắt nạt’ các nước láng giềng và khiến ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương suy giảm", Forbes nói.

Theo CT
Baotintuc.vn/Indiandefence