1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ khẳng định không đưa quân tới Ukraine sau phát biểu của ông Macron

Quốc Đạt

(Dân trí) - Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ không gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ chối loại trừ khả năng điều động lực lượng phương Tây hỗ trợ Kiev.

Mỹ khẳng định không đưa quân tới Ukraine sau phát biểu của ông Macron - 1

Binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ số 114 huấn luyện bên ngoài Kiev trong tháng 2/2023 dưới sự chỉ dẫn của một cựu quân nhân Mỹ (Ảnh: Foreign Policy/Paula Bronstein).

Tổng thống Joe Biden "đã nói rõ rằng Mỹ sẽ không gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho biết.

Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói rằng, quân nhân Mỹ duy nhất có mặt ở Ukraine là những người đang có mặt tại đại sứ quán nước này ở Kiev để "làm công việc quan trọng" về trách nhiệm giải trình liên quan số vũ khí cung cấp cho Ukraine.

Ông Kirby phủ nhận việc quân đội Mỹ có thể thực hiện một số hoạt động như rà phá bom mìn, sản xuất vũ khí, hoặc hoạt động mạng, như Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne đề xuất về quân đội phương Tây.

Nhưng người phát ngôn cũng nói thêm rằng quyết định gửi quân tới Ukraine là "thuộc quyền tự quyết" của Pháp hoặc bất kỳ quốc gia NATO nào khác.

Khi được hỏi liệu nước này có thể gửi quân tới Ukraine để thực hiện các mục đích khác như huấn luyện hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, cho biết chính quyền ông Biden phản đối mọi hành động triển khai quân tới Ukraine.

Ông Miller nói với các phóng viên: "Chúng tôi sẽ không gửi quân tới Ukraine. Tổng thống đã nói rất rõ ràng".

Cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều cho biết ưu tiên hàng đầu là Quốc hội phê duyệt viện trợ quân sự mới cho Ukraine.

"Về cơ bản, chúng tôi nghĩ rằng con đường dẫn đến chiến thắng cho Ukraine hiện nay nằm ở Hạ viện Mỹ", ông Miller nói.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, đồng minh của cựu Tổng thống Donald Trump và là người đứng đầu phe Cộng hòa chiếm đa số ở Hạ viện, đã từ chối đưa ra bỏ phiếu đối với dự luật có khoản viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine.

Mỹ không đơn độc

Trước đó, Tổng thống Macron gợi ý rằng không thể loại trừ bất cứ khả năng nào để giúp Ukraine chiến thắng, kể cả việc gửi quân đội phương Tây tới Ukraine.

"Lúc này chưa có sự đồng thuận về việc chính thức triển khai lực lượng mặt đất… nhưng không thể loại trừ bất cứ điều gì", ông Macron phát biểu trong một cuộc họp báo ở Paris. "Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo Nga không thể giành chiến thắng trong cuộc giao tranh này", ông Macron nói.

Mỹ không đơn độc trong việc bác bỏ ý tưởng của Pháp. "Sẽ không có bộ binh, không có binh sĩ nào trên đất Ukraine do các nước châu Âu hoặc các quốc gia NATO gửi tới", Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định.

Nga đã cảnh báo chiến tranh tổng lực với phương Tây nếu đề xuất của ông Macron thành hiện thực.

Ông Macron không tiết lộ nhà lãnh đạo phương Tây nào tỏ ra cởi mở với ý tưởng đưa quân tới Ukraine vì ông muốn duy trì "sự mơ hồ về mặt chiến lược".

Tới nay, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne đã lên tiếng làm rõ ý tưởng của chính quyền Pháp.

"Chúng ta phải xem xét những hành động mới để hỗ trợ Ukraine. Những điều này phải đáp ứng những nhu cầu rất cụ thể, đặc biệt là tôi đang nghĩ đến vấn đề rà phá bom mìn, phòng thủ mạng, sản xuất vũ khí tại chỗ, trên lãnh thổ Ukraine", ông nói.

"Một số hành động có thể yêu cầu sự hiện diện trên lãnh thổ Ukraine mà không đến mức chiến đấu. Không thể loại trừ bất cứ điều gì", ông Sejourne nói.

Theo AFP, Politico

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm