1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ hy vọng tạo ra cuộc biểu tình hàng loạt tại Nga nhờ lệnh trừng phạt

Thư ký Hội đồng An ninh Nga, Nikolai Patrushev cho rằng, khi áp dụng các biện pháp trừng phạt Moscow, Washington hy vọng chúng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người Nga cũng như tạo ra các cuộc biểu tình hàng loạt tại đó.

Thư ký Hội đồng An ninh Nga, Nikolai Patrushev
Thư ký Hội đồng An ninh Nga, Nikolai Patrushev

Ông Patrushev nói: “Hiển nhiên rằng, Nhà Trắng đang mong muốn chất lượng cuộc sống của người Nga giảm sút và số lượng các cuộc biểu tình sẽ tăng lên. Tuy nhiên, Moscow đã tích lũy đầy đủ về kinh tế, tài chính và đặc biệt là sức mạnh chính trị để đối phó với các vòng trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Hơn nữa, nước Nga còn sở hữu tinh thần đoàn kết toàn dân tộc và nhận được sự hỗ trợ từ các phía đối tác nước ngoài”.

Sau chuyến công tác Ai Cập và các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, ông Patrushev cho biết, những cố gắng gây ảnh hưởng đến tình hình nước Nga từ bên ngoài vẫn không dừng lại.

Hiện Hoa Kỳ vẫn đang cố gắng kêu gọi “thực hiện cải cách tình hình dân chủ”, cái mà Trung Quốc và một số nước gọi là “cuộc cách mạng màu”.

Vị quan chức này nhận định, trong vài thập kỷ qua, các phương pháp của Washington vẫn không có gì thay đổi, họ đã từng áp dụng chúng trong thời kỳ hậu Xô Viết, tại các nước Trung Đông, Bắc Phi và một số quốc gia khác trên thế giới.

Hiện tại, để đối phó với Nga, vin vào tình hình căng thẳng tại Ukraine, Mỹ đã liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương, nhắm vào các ngành quân sự, quốc phòng, năng lượng.

Trong đợt trừng phạt đầu tiên, các quan chức Nga đã bị cấm visa, một số công ty bị đóng băng tài sản, khi Crimea sáp nhập vào Nga giữa tháng 3-2014 sau một cuộc đảo chính tháng 2-2014 tại Ukraine.

Mặc dù phía Moscow liên tục khẳng định việc Crimea về với Nga là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc và phù hợp với tiền lệ, Kosovo ly khai khỏi Serbia vào năm 2008, nhưng phương Tây và Kiev nhất quyết không công nhận sự kiện trên.

Vào cuối tháng 7-2014, phương Tây lại áp đặt lệnh trừng phạt mới vào các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng, mở rộng danh sách trừng phạt các quan chức Nga và các nhà lãnh đạo tại khu vực Donbass (gồm Donesk và Lugansk) vì cho rằng, Moscow là bên thứ 3 tham chiến tại miền đông Ukraine và cung cấp vũ khí quân đội cho phe ly khai.

Đáp lại, ngày 6-8-2014, Nga áp đặt lệnh cấm một năm xuất khẩu thịt bò, thịt lợn, gia cầm, cá, pho mát, trái cây và các sản phẩm sữa từ Úc, Canada, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Na Uy. Bên cạnh đó, Moscow cũng liên tục bác bỏ cáo buộc “thôn tính” Crimea và tham gia vào chiến sự tại đông nam Ukraine.

Mặc dù vậy, các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga vẫn tiếp tục được thực hiện trong tháng 9 và tháng 12-2014.
 
Theo Thu Huyền (theo Itar-Tass)
An ninh Thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm