Mỹ gia nhập cuộc đua vũ khí châu Á: Tốt hay xấu?
Thời gian sẽ trả lời rằng, liệu sự hiện diện của Mỹ sẽ là lực lượng tích cực cho hòa bình, phát triển và thịnh vượng của châu Á, hay đơn giản là làm căng thẳng leo thang trong một khu vực vốn đã phức tạp bởi một cuộc chạy đua vũ trang.
Tuyên bố số phận của mình gắn liền với châu Á, Mỹ đã công bố chi tiết các kế hoạch để xây dựng và tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Và, thời gian sẽ trả lời rằng, liệu sự hiện diện của Mỹ sẽ là lực lượng tích cực cho hòa bình, phát triển và thịnh vượng của châu Á, hay đơn giản là làm căng thẳng leo thang trong một khu vực vốn đã phức tạp bởi một cuộc chạy đua vũ trang.
Châu Á đang ngày càng đi vào nghịch lý của sự thịnh vượng: khi các quốc gia trở nên giàu có hơn, họ lại chi tiêu tương ứng từ sự giàu có ấy vào quốc phòng. Họ thỏa sức mua sắm không chỉ vì họ có thể mà phần lớn là vì họ muốn bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình để đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững.
Bất chấp áp dụng thắt chặt ngân sách, thì Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn tuyên bố giảm bớt các hoạt động và hiện diện quân sự Mỹ tại Trung Đông, châu Âu nhưng không phải ở châu Á- nơi quân đội Trung Quốc đang ngày càng thách thức lớn hơn với sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ - cho dù không nhất thiết phải giành được vị thế thống trị.
Trong một bài phát biểu được nhiều người dự đoán trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói tại Đối thoại Shangri-La rằng, Mỹ sẽ triển khai thêm nhiều tàu sân bay, tàu khu trục, tàu ngầm, tàu chiến mang những loại vũ khí và công nghệ hiện đại nhất tới châu Á - như một phần của cái mà ông gọi là tái cân bằng lực lượng quân đội Mỹ trong khu vực.
Ảnh minh họa: wordpress
Theo kế hoạch này, quân đội Mỹ sẽ có khả năng phô diễn sức mạnh ở bất kỳ nơi nào tại châu Á. Washington có một lợi ích trong đảm bảo an ninh thương mại và tiếp cận các nguồn tài nguyên tự nhiên. Họ cũng đã kêu gọi các quốc gia ở châu Á tôn trọng tự do hàng hải.
Chính sách mới của Mỹ tìm kiếm việc thắt chặt và tăng cường quan hệ thông qua các đồng minh truyền thống, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan và Philippines, và cũng thoogn qua những quan hệ đối tác với những nước như Indonesia và Ấn Độ. Ông Panetta cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ mong muốn thúc đẩy quan hệ quân sự với Trung Quốc và Myanmar.
Với trung tâm hấp lực kinh tế đang chuyển dần về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các lợi ích Mỹ cũng gắn bó chặt chẽ với vận mệnh của khu vực này trong thế giới. Nhưng châu Á còn là ngôi nhà của một số "điểm nóng": căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên và Eo biển Đài Loan, tranh chấp Kashmir giữa hai cường quốc hạt nhân Ấn Độ và Pakistan, chồng lấn chủ quyền ở Biển Đông, Hoa Đông.
Cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra chỉ làm gia tăng những căng thẳng ấy. Hầu hết các nước duyen hải đều đang đầu tư mạnh mẽ trong nỗ lực củng cố lực lượng hải quân, với ý định đảm bảo lợi ích hàng hải, từ tự do đi lại của thương thuyền tới kiểm soát hoặc tiếp cận những khu vực tiềm ẩn giá trị lớn tài nguyên tự nguyên kể cả dầu và khí đốt.
Chính sách mới của Mỹ xuất hiện giữa lúc căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Philippines khi cả hai đều khẳng định chủ quyền với bãi cạn Scarborough ở Biển Đông - vùng biển được tin là rất giàu trữ lượng dầu khí. Trả lời một câu hỏi đưa ra tại Đối thoại Shangri-La, ông Panetta nói rằng, Mỹ không can thiệp vào bất kỳ cuộc tranh chấp lãnh thổ nào nhưng cũng khẳng định rằng, vụ tranh chấp này và các tranh chấp khác tương tự cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Mặc dù Mỹ nỗ lực tăng cường quân sự và chạy đua vũ trang diễn ra giữa các nước châu Á, thì chính phủ các nước vẫn khẳng định đặt ngoại giao lên vị trí hàng đầu trong giải quyết tranh chấp. ASEAN và Trung Quốc gần đây đang làm việc về một bộ quy tắc hành xử có tính ràng buộc pháp lý để giải quyết những xung đột trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Ngoài Philippines, Trung Quốc còn có tranh chấp với Brunei, Malaysia và Việt Nam ở vùng biển này.
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La đã ghi nhận sự tiến hóa của một cấu trúc an ninh mới tại châu Á - Thái Bình Dương. Ông mô tả các hiệp định hợp tác song phương, đa phương ký kết giữa các nước trong khu vực, những cuộc tập trận chung là yếu tố quan trọng để xây dựng lòng, và sẽ góp phần loại bỏ nghi kỵ lẫn nhau - yếu tố thường gieo mầm tranh chấp và căng thẳng leo thang. Xây dựng lòng tin chắc chắn sẽ góp phần gìn giữ hòa bình trong khu vực.
Ông Yudhoyono nhắc lại đề xuất của Indonesia về một cuộc tập trận chung giữa Indonesia, Trung Quốc và Mỹ trong hoạt động nhân đạo, nhắc lại việc triển khai lực lượng quân sự quốc tế trong một hoạt động quân sự lớn nhất thời bình. Đó là thời điểm động đất sóng thần hủy diệt ở Indonesia năm 2004.
Các nước châu Á - Thái Bình Dương cũng đang tích cực tham gia hoạt động chung kể cả khi hầu như từng nước vẫn nỗ lực tăng cường khả năng quân sự của riêng mình. Thiếu vắng tổ chức tương đương như NATO, châu Á vẫn có một số diễn đàn để các quốc gia thành viên đưa ra những vấn đề và thách thức an ninh chung kiểu như Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London tổ chức, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN, Thượng đỉnh Đông Á từng có sự tham gia của 18 nước gồm cả Mỹ và Nga.
Trong khi các nước ở khu vực tăng cường xây dựng các khả năng quân sự (kể cả Mỹ) là một kết quả không tránh khỏi từ sự thịnh vượng kinh tế của châu Á, thì ít người suy tính tới khả năng sử dụng vũ khí tối tân và hủy diệt của họ để chống lại đối phương. Hơn ai hết, họ nhận ra rằng, nếu tiếng súng vang lên, họ có thể hoàn toàn làm chệch hướng và đảo lộn toàn bộ tiến trình của cả khu vực.
Theo Nguyễn Huy
Jakartapost/Vietnamnet