1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ gặp khó trong nỗ lực cô lập Nga với thế giới

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định, Mỹ dù đã rất cố gắng nhằm cô lập Nga với thế giới vì Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng nỗ lực này dường như vẫn đang bất thành.

Mỹ gặp khó trong nỗ lực cô lập Nga với thế giới - 1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Tehran, Iran vào ngày 19/7 (Ảnh: AP).

Hãng tin AP nhận định, kể từ ngày 24/2 - khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nỗ lực trong việc khiến Nga bị cô lập trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, 5 tháng đã trôi qua và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện một số chuyến công du để gặp các lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ - một nước thành viên NATO. Trong khi đó, các quan chức cấp cao Nga cũng đã tiến hành một số chuyến công tác nước ngoài tới châu Á, châu Phi, Trung Đông.

Vào hôm 27/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết rằng ông muốn điện đàm với người đồng cấp Sergey Lavrov để thảo luận về việc trao đổi tù binh cũng như các vấn đề liên quan đến Ukraine. Nga sau đó cho biết, cuộc điện đàm vẫn chưa thể lên lịch vì ông Lavrov vẫn đang "quá bận với nhiều cuộc tiếp xúc quốc tế".

Theo các chuyên gia, những cuộc gặp và điện đàm của các quan chức cấp cao Nga với các lãnh đạo quốc tế đang đặt ra hoài nghi rằng liệu chiến lược cô lập Nga của Mỹ có thành công hay không.

Hiện Mỹ vẫn cho rằng Nga đang bị cô lập. Ngoại trưởng Blinken nhận định, các chuyến công du của quan chức cấp cao Nga giống như là nỗ lực "kiểm soát thiệt hại" thuần túy. Ông cũng chỉ ra, sự chỉ trích từ nhiều nước với chiến dịch quân sự của Nga cũng là một bằng chứng cho thấy Moscow bị cô lập.

Mỹ nhận định, Nga đang cố gắng củng cố một số đồng minh và đối tác còn lại, bao gồm cả đối thủ của Mỹ như Iran. Tuy nhiên, một số quốc gia đối tác của Mỹ như Ai Cập hay Uganda cũng là điểm dừng chân của các quan chức cấp cao Nga trong thời gian qua.

Mặt khác, vào tháng 2, phía Mỹ từng tuyên bố rằng không có ích gì để trao đổi với Nga vì Moscow "không nghiêm túc về ngoại giao và không thể được tin cậy". Tuy nhiên, giờ đây, Mỹ đã thừa nhận rằng họ cũng cần phải thảo luận với Moscow.

Chuyên gia Ian Kelly, một nhà cựu ngoại giao đã về hưu nhận định rằng, việc ông Blinken tuyên bố muốn điện đàm với ông Lavrov có thể sẽ "phản tác dụng trong nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Nga".

Thêm vào đó, những nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục các nước châu Á, châu Phi và Trung Đông cô lập Nga dường như cũng chưa đạt được kết quả như họ mong muốn, theo AP. 

Nhiều nước châu Phi, Nam Mỹ và châu Á có thể bỏ phiếu phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Liên Hợp Quốc, nhưng không tham gia vào nỗ lực trừng phạt Nga. Hai quốc gia có dân số lớn nhất thế giới, chiếm gần 3 tỷ dân là Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang chọn cách tiếp cận trung lập và vẫn giao dịch với Nga.

Tại Trung Đông, các cường quốc dầu mỏ cũng tính toán rất kỹ tới lợi ích chiến lược của riêng họ, khi vẫn coi Nga là đối tác quan trọng, không thể thay thế trong OPEC+.

Vị thế của Nga là một "ông lớn" năng lượng, cường quốc xuất khẩu vũ khí quân sự cũng như cung cấp các sản phẩm thiết yếu như nguyên liệu thô, lương thực, phân bón tạo nên cho họ một vị thế nhất định trên thế giới và việc cô lập họ dường như sẽ không dễ dàng.

Trước đó, trong cuộc họp nội các ngày 18/7, ông Putin tuyên bố rằng, Nga không thể bị cô lập với phần còn lại của thế giới, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo AP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine