1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ đứng về phía Ấn Độ trong tranh cãi chủ quyền với Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ bày tỏ quan điểm ủng hộ Ấn Độ khi New Delhi tranh cãi với Trung Quốc về chủ quyền bang Arunachal Pradesh mà Bắc Kinh gọi Nam Tây Tạng.

Mỹ đứng về phía Ấn Độ trong tranh cãi chủ quyền với Trung Quốc - 1

Một chiếc xe tải chở khí đốt hóa lỏng chạy trên con đường ở bang Arunachal Pradesh (Ảnh: Reuters).

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/3 cho biết, Washington công nhận Arunachal Pradesh là một phần lãnh thổ của Ấn Độ và "phản đối mạnh mẽ" bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ ở khu vực mà New Delhi và Ấn Độ tranh cãi về chủ quyền.

Trung Quốc nhiều lần tuyên bố Arunachal Pradesh là một phần của miền nam Tây Tạng. New Delhi bác bỏ tuyên bố này, nói rằng Arunachal Pradesh luôn là một phần của Ấn Độ.

Hồi tuần trước, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố Arunachal Pradesh là "lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc" và Bắc Kinh "kiên quyết phản đối" việc New Delhi xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực này.

Sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal cho biết, phía Trung Quốc đã đưa ra những "yêu sách vô lý" đối với lãnh thổ bang Arunachal Pradesh. 

"Mỹ công nhận Arunachal Pradesh là lãnh thổ của Ấn Độ và chúng tôi phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ bằng cách xâm nhập hoặc xâm lấn quân sự hoặc dân sự qua Đường Kiểm soát Thực tế", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.

Năm 1962, Trung Quốc và Ấn Độ đã nổ ra chiến sự dọc theo các phần của đường biên giới dài 3.800km chưa được phân định rõ ràng. Căng thẳng nóng lên trong những năm gần đây khi 2 nước xảy ra các cuộc đụng độ tại những khu vực tranh chấp.

Một sự kiện đỉnh điểm là cuộc đụng độ vào năm 2020 ở Ladakh, Himalaya, khiến ít nhất 24 binh sĩ ở 2 bên thiệt mạng. Đây được xem là lần đầu tiên trong hơn 40 năm, một vụ đụng độ ở khu vực tranh chấp chủ quyền giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ gây chết người.

Kể từ cuộc giao tranh, căng thẳng giữa 2 nước liên tục leo thang khi các bên đều triển khai quân nhân và vũ khí dồn dập tới các điểm "nóng". Tuy nhiên, hai nước sau đó đã thống nhất xuống thang căng thẳng ở biên giới và cũng bắt đầu rút bớt quân, xe tăng, khí tài quân sự khỏi khu vực Ladakh.

Reuters nhận định, động thái của Mỹ đáng chú ý trong bối cảnh Washington và New Delhi trong những năm gần đây đã nâng cấp quan hệ song phương trong nỗ lực đối phó với tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Theo Reuters