1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ dùng dằng ở Trung Đông, tương lai khu vực đang thuộc về Iran?

Những động thái gần đây của Mỹ tại Trung Đông đang khiến Iran tăng cường ảnh hưởng và giành chiến thắng trong cuộc đua kiểm soát tương lai khu vực.

Sóng gió mới trong quan hệ Mỹ - Iran

Ngày 3/11, Mỹ đã trừng phạt bổ sung với 9 nhân vật thân cận của lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei trong đó bao gồm cả Chánh văn phòng, một trong những con trai của ông Khamenei và người đứng đầu ngành tư pháp.

Mỹ dùng dằng ở Trung Đông, tương lai khu vực đang thuộc về Iran? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Ảnh: Reuters

Một ngày sau (4/11), lãnh đạo Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi cho biết Iran mới đưa vào sử dụng 30 máy ly tâm IR-6 thế hệ mới, nâng tổng số loại máy ly tâm này đang được Tehran sử dụng lên 60.  Với việc gia tăng số lượng các máy ly tâm thế hệ mới này, Iran đang sử dụng gấp đôi số lượng máy được giới hạn trong thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015. Đây cũng không phải lần đầu tiên Iran cắt giảm các cam kết trong thỏa thuận này.

Lãnh tụ tối cao Iran thậm chí một lần nữa bác bỏ khả năng đàm phán với Mỹ khi khẳng định hôm 3/11 rằng: "Những người coi đàm phán với Mỹ là giải pháp để giải quyết vấn đề đã mắc sai lầm". Ông Khamenei đã dẫn ra rằng các cuộc đàm phán của Triều Tiên với Mỹ là một dấu hiệu cho thấy sự không đáng tin của Washington.

"Họ chụp ảnh và khen ngợi lẫn nhau nhưng Mỹ không hề dỡ bỏ trừng phạt, dù chỉ là một ít. Đó là cách họ tiến hành đàm phán. Họ sẽ khiến bạn phải phục tùng và rồi không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào", lãnh tụ tối cao Iran khẳng định.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang kể từ khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm ngoái và tái áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt đơn phương lên nước Cộng hòa Hồi giáo này. Washington cũng cáo buộc Tehran tấn công tàu chở dầu ngày 14/5 và 13/6 ở vùng Vịnh, lên án sự việc máy bay không người lái của Mỹ bị bắn hạ hôm 20/6 và vụ bắt giữ tàu chở dầu Anh Stena Impero.

Một điều nguy hiểm khiến căng thẳng Mỹ - Iran trở nên khó đoán định hơn là bởi cả hai nước không có bất kỳ kênh đối thoại nào cũng như không vạch ra những lằn ranh rõ ràng khi xung đột leo thang. Dưới thời Tổng thống George W.Bush hay Barack Obama, dù căng thẳng leo thang đến đâu thì vẫn có những lằn ranh và những giới hạn được đặt ra để những căng thẳng này không biến thành một cuộc xung đột trực tiếp. Những tính toán sai lầm nhỏ dĩ nhiên vẫn có thể xảy ra nhưng chúng sẽ được điều chỉnh bằng các biện pháp ngoại giao.

Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Trump, ngay cả các nhà quan sát cũng khó mà đoán trước được quan hệ Mỹ và Iran sẽ đi đến đâu cũng như các bước đi của hai nước này là gì.

Vượt ra ngoài kiểu leo thang "ăn miếng trả miếng" thông thường, nguy cơ của những tính toán sai lầm từ phía Mỹ và Iran luôn hiện hữu. Thực tế là sự thiếu rõ ràng trong chính sách của hai bên khiến căng thẳng trở nên khó kiểm soát và nhiều rủi ro hơn. Những bất đồng của Mỹ và Iran liệu có thể giải quyết trong một vài tháng hay sẽ kéo dài một vài năm hoặc lâu hơn trong trạng thái "dùng dằng" như thế này?

Mỹ đang trao chiến thắng cho Iran ở Trung Đông?

Thực tế là chiến lược gây sức ép tối đa của Mỹ cũng như các hành động của Washington gần đây đang khiến mối quan hệ giữa Iran và các nước trong khu vực trở nên “thuận buồm xuôi gió” hơn.

Mỹ đang giảm hiện diện quân sự ở Syria và Afghanistan. Thậm chí, kể cả khi Tổng thống Trump tăng cường quân Mỹ ở Vịnh Ba Tư thì hình ảnh nước Mỹ với vai trò là một đối tác tin cậy và một nhân tố cân bằng quyền lực khu vực đã bị suy giảm.

Nhà phân tích Sina Toossi nhận định trên trang Foreign Policy rằng chính phủ Mỹ không có giải pháp chính trị và cũng không có khả năng để kéo dài các hoạt động quân sự tại Trung Đông.

Hơn nữa, tại Trung Đông nói chung và ở Iran nói riêng, Mỹ và các đồng minh EU cũng như đồng minh khu vực không có một tầm nhìn chung.

Dường như các đồng minh khu vực của Washington đều hiểu rằng việc Mỹ rời khỏi Trung Đông là một viễn cảnh được đoán trước. Do đó, sự hợp tác với Iran sẽ là cần thiết để giảm căng thẳng khu vực và tìm kiếm những giải pháp chính trị cho nhiều cuộc khủng hoảng ở đây.

Gần đây, chính phủ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đã đạt được một thỏa thuận hàng hải mới với Iran và đã cử một quan chức cấp cao tới Tehran để thắt chặt quan hệ với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Thậm chí Saudi Arabia - quốc gia đi đầu trong việc chống Iran cũng đang đối thoại với Iran để giảm căng thẳng và kết thúc cuộc chiến ở Yemen.

Người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rabiei cho biết trong một cuộc họp báo ngày 4/11 rằng Tổng thống Rouhani đã gửi thư cho Quốc vương Saudi Arabia Salman và Quốc vương Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa để bàn về tình hình khu vực. Tehran không có mối quan hệ chính thức với cả 2 nước này kể từ năm 2016 song nước Cộng hòa Hồi giáo này đang mở cánh cửa đối thoại để cải thiện quan hệ với các nước vùng Vịnh giữa bối cảnh khu vực này đang đối mặt với những bất ổn mới.

"Điểm cơ bản của những bức thư này là hòa bình và ổn định khu vực. Chúng tôi tin rằng các quan hệ song phương và đa phương có thể được định hình trong khu vực và sức ép của Mỹ không nên là nguyên nhân khiến các nước láng giềng "ngoảnh mặt" với nhau", ông Rabiei cho biết.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran bao giờ sẽ kết thúc khi mà Washington vẫn tiếp tục áp đặt trừng phạt và Tehran từ chối đối thoại? Đâu sẽ là giải pháp cho mối quan hệ với nhiều bất đồng sâu sắc này? Sử dụng các hành động quân sự là một lựa chọn nhưng sẽ không phải là một giải pháp để căng thẳng Mỹ và Iran đi đến hồi kết. Một cuộc chiến tranh sẽ chỉ khiến Mỹ lún sâu thêm vào "vũng lầy" Trung Đông và Iran cũng sẽ thêm lao đao giữa bối cảnh nền kinh tế đang bị bóp nghẹt vì các lệnh trừng phạt.

Đối thoại chứ không phải đối đầu sẽ là con đường để giảm căng thẳng. Những bất ổn an ninh ở Trung Đông đòi hỏi các giải pháp với sự tham gia của các quốc gia trong khu vực, kể cả Iran và vai trò của Mỹ, không phải để cản trở mà là tham gia vào tiến trình này. Tuy nhiên, trước khi tiến đến bất kỳ giải pháp hay cuộc gặp nào, điều đầu tiên mà cả Mỹ và Iran cần phải xây dựng chính lòng tin với nhau thông qua một kênh đối thoại để tìm được tiếng nói chung. Đàm phán chỉ có thể diễn ra, giải pháp chỉ có thể thực hiện khi các bên tham gia với sự tự nguyện và sẵn sàng chứ không phải từ sự thúc ép của bất kỳ bên nào.

Theo Kiều Anh

VOV.VN