1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ dỡ lệnh cấm vũ khí với lữ đoàn Ukraine, Nga cảnh báo gay gắt

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Nga chỉ trích việc Mỹ cho phép lữ đoàn Azov của Ukraine sử dụng vũ khí do Washington viện trợ sau nhiều năm ban hành lệnh cấm.

Mỹ dỡ lệnh cấm vũ khí với lữ đoàn Ukraine, Nga cảnh báo gay gắt - 1

Các cựu binh Azov tham dự mít tinh vinh danh các chiến binh tình nguyện ở Kiev, Ukraine (Ảnh: Getty).

"Những bước đi như vậy của Washington liên quan đến việc hình thành chủ nghĩa dân tộc công khai không gây ra điều gì ngoài sự phẫn nộ tột độ", Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố hôm 12/6.

Tuyên bố của Đại sứ Antonov được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 10/6 thông báo chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ cho phép lữ đoàn Azov của Ukraine sử dụng vũ khí do Washington viện trợ.

Lữ đoàn Azov được coi là lực lượng chiến đấu tương đối hiệu quả trong lực lượng vũ trang Ukraine. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, đơn vị này đã bị cấm sử dụng vũ khí của Washington vì các quan chức Mỹ nghi ngờ rằng một số người sáng lập tổ chức này tán thành quan điểm phân biệt chủng tộc, bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đồng thời các quan chức nhân quyền của Liên hợp quốc cáo buộc nhóm này vi phạm nhân đạo.

Giờ đây lữ đoàn sẽ được tiếp cận sự hỗ trợ quân sự của Mỹ giống như bất kỳ đơn vị nào khác trong lực lượng vũ trang Ukraine. Sự thay đổi chính sách của Mỹ diễn ra khi Nga đang chiếm ưu thế trên chiến trường và giành nhiều lãnh thổ của Ukraine trong thời gian qua.

"Những lo ngại nghiêm trọng nhất nảy sinh không chỉ liên quan đến chiến lược của Mỹ ở Ukraine mà còn liên quan đến cách tiếp cận của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố", ông Antonov nói thêm.

Nhà ngoại giao Nga ví việc cung cấp vũ khí cho lữ đoàn Azov với chính sách khuyến khích thành lập các đơn vị vũ trang của Mỹ ở Trung Đông.

"Điều đó dẫn đến những hiện tượng khủng khiếp như (Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng) IS, cái chết của hàng trăm nghìn dân thường, hàng triệu người tị nạn, kể cả ở châu Âu, và kéo dài các cuộc xung đột đẫm máu trong nhiều thập niên", ông Antonov cảnh báo.

Đại sứ cho biết Nga giữ quan điểm rõ ràng và nhất quán về sự cần thiết của hoạt động chống khủng bố.

Bình luận về quyết định mới của Mỹ, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Washington sẽ không dừng lại ở bất cứ điều gì, kể cả việc sử dụng những đối tượng theo chủ nghĩa phát xít mới, để gây thiệt hại cho Nga.

"Sự thay đổi lập trường đột ngột này của Washington chứng tỏ giới chức Mỹ có thể dùng bất kỳ cách gì để gây sức ép với Nga, sử dụng người dân Ukraine làm công cụ. Họ thậm chí không ngần ngại ủng hộ những người theo chủ nghĩa phát xít mới", ông Peskov nói.

Lữ đoàn Azov là đơn vị gây tranh cãi vì cáo buộc có liên hệ với các nhóm cực hữu và có tư tưởng tân phát xít. Lực lượng này bị Nga cấm và coi là tổ chức khủng bố.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng đề cập tới sự hiện diện của lực lượng Azov trong quân đội của Kiev là một trong những lý do khiến ông quyết định mở chiến dịch để "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine".

Azov là một đơn vị quân đội tình nguyện cực hữu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và bị cáo buộc mang tư tưởng tân phát xít và chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.

Đơn vị này ban đầu được lập từ một nhóm tình nguyện viên vào tháng 5/2014 từ các nền tảng là nhóm dân tộc cực đoan Patriot of Ukraine và nhóm có tư tưởng tân phát xít Social National Assembly (SNA). Cả hai nhóm đều bị cáo buộc có tư tưởng bài ngoại, tân phát xít và từng có hành động bạo lực với người di cư, cộng đồng người Roma và những người phản đối quan điểm của họ.

Nhóm này đã chiến đấu trên tiền tuyến chống lại lực lượng ly khai thân Nga ở Donetsk, miền Đông Ukraine. Azov chính thức trở thành một phần của lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine vào ngày 12/11/2014. Đơn vị này từng được cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko mô tả là "những chiến binh tốt nhất của chúng ta" và "những tình nguyện viên tốt nhất".

Theo Al Jazeera, vào năm 2015, Andriy Diachenko, người phát ngôn của Azov vào thời điểm đó, nói rằng 10-20% tân binh của Azov là những người có tư tưởng phát xít. Tổ chức này đã bác bỏ thông tin họ tuân thủ theo hệ tư tưởng phát xít nói chung, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy các biểu tượng phát xít xuất hiện trên đồng phục và cơ thể của các thành viên Azov.

Theo Tass