Mỹ đánh lạc hướng dư luận với chương trình F-35
Mỹ tiếp tục khiến thế giới khó hiểu với chương trình F-35 của mình khi đồng thời chê bai thậm tệ, mặt khác lại tiếp tục bơm tiền để phát triển F-35.
Động thái bất ngờ
Hôm 3/3, Bộ Quốc phòng Mỹ đã gây bất ngờ lớn khi ra thông cáo tuyên bố, chương trình phát triển máy bay tàng hình F-35 nhiều tai tiếng tiếp tục được bơm thêm tiền để phát triển.
Theo thông cáo, nhà sản xuất Lockheed Martin đã ký một hợp đồng trị giá 11,6 triệu USD với Bộ Quốc phòng Mỹ để tiến hành kiểm tra cơ chế hoạt động và đánh giá kết quả thử nghiệm tiêm kích F-35. Gói tiền này sẽ được triển khai trong lực lượng Không quân, Hải quân của Mỹ và các quốc gia đồng minh.
Điều khá bất ngờ là trước đó, hôm 28/2, Lockheed Martin cũng đã nhận được một hợp đồng hỗ trợ hậu cần và duy trì sự sống cho chương trình phát triển chiến đấu cơ F-35 trị giá 1,06 tỉ USD.
Không chỉ bất ngờ khi được bơm thêm tiền, hãng Reuters dẫn lời Trung tướng Chris Bogdan, người đứng đầu chương trình F-35 tại phiên điều trần tại Điện Capitol cho biết, giá bán của loại chiến đấu cơ này có thể giảm xuống mức 80 triệu USD/chiếc trong những đơn hàng tới đây.
Hồi đầu tháng 2/2017, Lầu Năm Góc đã đồng ý kí thỏa thuận sản xuất lô chiến đấu cơ F-35 thứ 10, với giá trung bình 95 triệu USD/chiếc, tức là rẻ hơn gần 7% so với mức giá 102 triệu USD của lô F-35 trước đó. "Giá bán của F-35 thậm chí có thể giảm xuống quanh mức 80 triệu USD trong tương lai nhờ lợi thế về quy mô sản xuất", tướng Chris Bogdan tuyên bố.
Không dừng lại ở đó, bà Marillyn Hewson, Tổng giám đốc điều hành hãng Lockheed Martin tuyên bố, trong hợp đồng kế tiếp, giá của mỗi chiếc tiêm kích tàng hình F-35 sẽ giảm xuống ngang bằng Su-35 của Nga.
Hợp đồng đặt mua lô F-35 thứ 10 sẽ lần đầu tiên "kéo" giá của mỗi chiếc máy bay thuộc biến thể "A" dành cho Không quân Mỹ xuống dưới 100 triệu USD, và Lockheed Martin được cho là đang đi đúng lộ trình đưa mỗi chiếc F-35A xuống mức giá còn 80 triệu USD vào năm 2019, TGĐ điều hành của hãng này tuyên bố.
Cỗ máy thất bại
Việc bơm thêm tiền cho chương trình F-35 của Bộ Quốc phòng Mỹ theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây dường như là động thái tung hỏa mù về sức mạnh thật của F-35. Bởi sẽ không có chuyện tiêm kích thế hệ 5 này tồi tệ như Mỹ từng nhiều lần thừa nhận lại được bơm thêm tiền để tiếp tục phát triển.
Tờ The National Interest dẫn lời vị tướng Không quân Mỹ cho biết, chiếc F-35 có thể tàng hình tương đối với các hệ thống phòng không của Nga, nhưng chúng còn đang ở mức độ hoài nghi bởi vì Nga đã đầu tư rất nhiều thiết bị, phương tiện cho sự phát triển vào hệ thống radar.
"Câu hỏi đặt ra trong tình thế này là máy bay nào và bao nhiêu cái của chúng ta có thể tàng hình đối với các hệ thống radar của Nga hoạt động trong dải băng tần UHF và VHF", nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Hải quân, Mike Coffman cho biết.
Theo các chuyên gia, những chiếc F-35 có một nhược điểm đáng kể đó là máy bay chiến đấu chỉ có một động cơ mà không cung cấp bất kỳ cơ cấu nào để làm giảm sự phát hiện nhiệt từ ống xả. Như vậy, vết tích nhiệt từ các máy bay chiến đấu F-35 làm cho nó dễ dàng bị tìm thấy và từ đó bị ra đòn tấn công.
The National Interest dẫn lời tuyên bố của người đại diện Lầu Năm Góc cho biết, các thử nghiệm chính thức cuối cùng của mô hình máy bay tàng hình tiêm kích tấn công ném bom thế hệ thứ năm mới F-35 sẽ phải hoãn lại cho đến năm 2018.
Đã nhiều lần được chỉ ra bởi các nhà quan sát, chuyên gia quân sự nhưng có vẻ người Mỹ "đang sa lầy" trong vấn đề của F-35, mặc dù vậy việc sản xuất chúng vẫn đang tiếp diễn, dường như Lầu Năm Góc vẫn không thể xác định chính xác khả năng thực sự của máy bay này và tính khả thi khi ứng dụng chúng.
Chiếc F-35 là một trong những máy bay trong danh sách đánh giá những cỗ máy thất bại của dòng máy bay tiêm kích tấn công, danh sách tập hợp này được đưa ra bởi tạp chí The National Interest.
Clip F-35B phô diễn khả năng đặc biệt:
Theo Tuấn Vũ
Đất Việt