Mỹ đã sợ tên lửa Triều Tiên?
Giới quân sự ở Washington kêu gọi tăng cường phòng thủ khi Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa và tuyên bố tấn công hạt nhân vào cả Hàn Quốc lẫn Mỹ.
Tấn công nước Mỹ
Tư lệnh Bộ Chỉ huy miền Bắc của Mỹ William Gortney ngày 10/3 cho rằng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên có thể bắn được tới phần lục địa của Mỹ.
Ông Gortney phát biểu tại một cuộc họp của Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ: “Tôi đánh giá rằng họ (Triều Tiên) có đủ khả năng đưa ICBM lên vũ trụ và vươn tới phần lục địa của Mỹ và Canada”.
Ngoài ra, ông Gortney còn cho rằng tầm bắn của loại tên lửa này của Triều Tiên “chắc chắn” có thể vươn tới các khu vực Hawaii và Alaska của Mỹ.
Dù tự tin rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay của Mỹ có thể chống trả một vụ tấn công của Triều Tiên hay Iran, song ông Gortney kêu gọi tăng cường năng lực phòng thủ nếu hai quốc gia nói trên tiếp tục mở rộng các lực lượng tên lửa.
Theo Đô đốc Gortney, Mỹ đang xúc tiến tăng số lượng các hệ thống phòng thủ tên lửa từ 30 lên 44 hệ thống vào cuối năm 2017.
Hiện nước này đã bố trí 40 hệ thống đánh chặn tại Fort Greely (bang Alaska) và 4 hệ thống tại Căn cứ Không quân Vandenberg ở bang bờ Tây California.
Những tuyên bố của giới chức quân đội Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên những ngày qua liên tục đe dọa tấn công hạt nhân phủ đầu cả Mỹ và Hàn Quốc.
Mới nhất vào sáng nay, 11/3, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đã ra lệnh tiếp tục tiến hành các vụ thử nghiệm hạt nhân có sử dụng đầu đạn mà các nhà khoa học Triều Tiên đã thu nhỏ thành công.
Phát biểu khi quan sát một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo diễn ra ngày 10/3, ông Kim Jong-un nhấn mạnh Triều Tiên cần tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân để xác định sức công phá của loại đầu đạn hạt nhân mới được thu nhỏ thành công và tăng cường khả năng tấn công hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho rằng nước này phải đẩy nhanh hơn nữa việc phát triển vũ khí hạt nhân và đa dạng hóa các phương tiện mang đầu đạn hạt nhân, tăng cường phối hợp giữa việc nghiên cứu hạt nhân với nghiên cứu tên lửa.
Đặc biệt, ông Kim Jong-un cũng ra lệnh sẵn sàng mọi phương án tấn công hạt nhân nhằm vào các trung tâm chỉ huy tác chiến của Hàn Quốc và các căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trước đó, ngày 9/3, ông Kim Jong-Un tuyên bố rằng các nhà khoa học Triều Tiên đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân được gắn vào tên lửa đạn đạo.
Phát biểu tại buổi tiếp các nhà khoa học, ông Kim nói: "Các đầu đạn hạt nhân đã được chuẩn hóa để gắn vừa vào tên lửa đạo đạo nhờ việc thu nhỏ chúng”.
Đây là lần đầu tiên ông Kim Jong-un công bố rõ ràng về bước đột phá mà giới chuyên gia gọi là bước ngoặt "thay đổi cuộc chơi" đối với các năng lực hạt nhân của Triều Tiên.
Trước đó một ngày, Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên cũng dọa sẽ tấn công phủ đầu nhằm vào Hàn Quốc và lãnh thổ nước Mỹ trong bối cảnh Seoul và Washington bắt đầu cuộc tập trận chung quy mô lớn.
Nguy cơ hủy diệt
Bình luận về vụ thử hạt nhân và bắn tên lửa gần đây của Triều Tiên, báo chí Mỹ đã thể hiện sự lo ngại về mối đe dọa hủy diệt từ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Việc Triều Tiên có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân đang đặt ra câu hỏi rằng liệu "chiếc ô" bảo vệ của Mỹ trong khu vực Đông Á có còn đáng tin cậy nữa hay không? .
Trước đây, sau mỗi lần Bình Nhưỡng thử hạt nhân lại có một làn sóng kêu gọi Hàn Quốc sử dụng chiến lược răn đe bằng vũ khí hạt nhân của mình và đề xuất này nhanh chóng bị lu mờ.
Tuy nhiên, lần này, những lời kêu gọi ngày càng mạnh mẽ hơn. Rất nhiều lãnh đạo của Hàn Quốc, bao gồm cả nhà lập pháp hàng đầu, cũng đã đề xuất sử dụng biện pháp này.
Một cuộc thăm dò của Viện Asan gần đây cho thấy gần 54% người dân Hàn Quốc ủng hộ Seoul đi theo con đường sở hữu vũ khí hạt nhân. Xu hướng này là một dấu hiệu cho thấy sự bất ổn trên toàn khu vực Đông Bắc Á.
Đối với Triều Tiên, vũ khí hạt nhân có thể được xem như một phương pháp răn đe rẻ tiền và vũ khí hạt nhân chính là lá chắn giúp Bình Nhưỡng chống lại cuộc tấn công từ Mỹ hoặc những nỗ lực thay đổi chế độ nước này, nhất là khi rút ra bài học về sự can thiệp của Mỹ tại Iraq và Libya (sau khi Muammar Gaddafi đã từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân).
"Chiếc ô" bảo vệ của Mỹ, được mở rộng thông qua các liên minh lâu dài của Mỹ trong khu vực, đã được củng cố và duy trì.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Triều Tiên đã tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và có khả năng chế tạo ICBM. Washington đã phản ứng bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực Đông Á cũng như hợp tác với các đồng minh để xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng.
Nhật Bản đã đầu tư nhiều vào hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, bao gồm cả việc hợp tác với Mỹ phát triển SM-32A, một hệ thống tên lửa di động sử dụng trên các tàu tuần dương Aegis.
Hàn Quốc cũng đang đàm phán với Washington về việc mua Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD có thể tích hợp với mạng lưới phòng thủ Mỹ- Nhật.
Giống như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có một số tàu tuần dương Aegis, và cũng có thể triển khai các SM-32A khi các tàu này đi vào hoạt động.
Ngược lại, Trung Quốc cho rằng Triều Tiên chỉ là cái cớ để Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại, thực chất là để chống lại cả Bắc Kinh lẫn Bình Nhưỡng.
Theo Chu Vũ
Đất Việt