1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ-Cuba mở lại Đại sứ quán: Trang mới trong quan hệ song phương

Sau gần 7 tháng thương lượng với 4 vòng đàm phán, ngày 1/7 tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ với Cuba đã đạt được một bước tiến mang dấu mốc lịch sử với việc hai nước nhất trí mở lại Đại sứ quán vào cuối tháng này.

Quyền Ngoại trưởng Cuba Marcelino Medina (
Quyền Ngoại trưởng Cuba Marcelino Medina (phải) trong cuộc gặp Trưởng phòng đại diện quyền lợi Mỹ Jeffrey DeLaurentis (trái) tại La Habana ngày 1/7. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
 
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của Tổng thống Barack Obama, trong cuộc họp báo tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, có sự tham dự của Phó tổng thống Joe Biden, tuyên bố quan hệ ngoại giao Mỹ-Cuba đã chính thức bình thường hóa sau hơn nửa thế kỷ với việc hai nước đồng ý mở lại các Đại sứ quán tại Washington và La Habana vào cuối tháng này.
 
Tổng thống Obama mô tả đây là một bước tiến mang tính lịch sử trong nỗ lực chung của hai nước nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai chính phủ và nhân dân hai nước. Ông Obama cho biết việc mở lại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô La Havana không thuần túy là một biểu tượng mà, với nó, giới ngoại giao Mỹ sẽ có nhiều cơ hội để gia tăng các cuộc tiếp xúc với người dân Cuba.
 
Tổng thống Obama cho biết Ngoại trưởng John Kerry sẽ thăm La Habana vào mùa hè này để chứng kiến lễ thượng cờ nâng cấp Phòng đại diện quyền lợi của Mỹ thành Đại sứ quán. Tổng thống Obama một lần nữa hối thúc Quốc hội sớm bãi bỏ lệnh cấm vận mà ông đã nhiều lần cho là “lỗi thời và không phục vụ các lợi ích của Mỹ”.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã gửi thư bày tỏ ý định thời gian mở lại Đại sứ quán tại thủ đô hai nước là ngày 20/7. Với việc bình thường hóa chính thức này, Ngoại trưởng John Kerry sẽ trở thành ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ thăm Cuba trong 60 năm qua.

Dư luận Mỹ có những phản ứng và thái độ khác nhau xung quanh diễn biến lịch sử này.
 
Lãnh đạo phe thiểu số của đảng Dân chủ tại Hạ viện, Hạ nghị sỹ Nancy Pelosi hoan nghênh quyết định bà mô tả là “dũng cảm” của Tổng thống Obama, cho rằng việc mở lại Đại sứ quán sẽ đặt ra nền tảng cho mối quan hệ mới, hiệu quả hơn với Cuba, qua đó hỗ trợ và thúc đẩy các ưu tiên chính sách của Mỹ, bao gồm cả vấn đề quyền con người, hợp tác chống ma túy, di cư, đoàn tụ gia đình, trao đổi văn hóa. Nó cũng mở ra các cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp Mỹ”.
 
Ứng cử viên tổng thống tiềm tàng của đảng Dân chủ năm 2016, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng hoan nghênh việc hai nước đồng ý mở lại Đại sứ quán, cho rằng việc này giúp Mỹ gia tăng can dự và ủng hộ những thay đổi tích cực ở Cuba.
 
Tuy nhiên, Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa John Boehner, Chủ tịch Hạ viện, cho rằng chính quyền Obama đã trao cho các nhà lãnh đạo Cuba cái mà ông gọi là “giấc mơ cả đời về tính đại diện chính đáng”. Hạ nghị sỹ Ileana Ros-Letinen, đại diện cho bang Florida có đông kiều dân Cuba, chỉ trích quyết định mở lại Đại sứ quán, cho rằng việc đó “sẽ không giúp ích gì cho nhân dân Cuba và chỉ là một mưu toan tầm thường khác để Tổng thống Obama tìm cách ghi thêm thành tích vào di sản của mình”.
 
Cựu Thống đốc bang Florida, ứng cử viên tổng thống tiềm tàng của đảng Cộng hòa năm 2016, ông Jeb Bush cũng lên tiếng chỉ trích bước đi mới nhất của Nhà Trắng với Cuba. Với các phát biểu này, dư luận cho rằng việc Quốc hội Mỹ, hiện do đảng Cộng hòa nắm quyền đa số tại lượng viện, bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận Cuba cho tới nay chưa có gì là chắc chắn.

Tại Brussels (Bỉ), Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố hoan nghênh việc tái thiết lập quan hệ đầy đủ giữa Mỹ và Cuba sau 54 năm, mô tả đây là cột mốc lịch sử. Tuy nhiên, tuyên bố của EU hối thúc Mỹ cần phải có thêm bước tiến, bãi bỏ lệnh cấm vận áp đặt năm 1962 mà EU cho là “đã lỗi thời”.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Cuba, Chính phủ Cuba cũng đã ra tuyên bố chính thức thông báo về quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, đồng thời nhấn mạnh lại điều kiện tiên quyết để hai bên bình thường hóa quan hệ là Washington phải xóa bỏ cuộc bao vây cấm vận kinh tế đã áp đặt phi lý hơn nửa thế kỷ nay lên đảo quốc Caribe này.

Tuyên bố nêu rõ: “Cuba và Mỹ đã khẳng định mong muốn phát triển quan hệ tôn trọng và hợp tác giữa hai dân tộc và hai chính phủ, dựa trên nguyên tắc và tôn chỉ được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Viena về Quan hệ ngoại giao và lãnh sự”.

Chính phủ Cuba nhấn mạnh quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Washington được đưa ra hoàn toàn trên cở sở tự chủ và không hề dao động trong các lý tưởng về độc lập và công bằng xã hội, chủ nghĩa quốc tế và những giá trị khác của cuộc cách mạng do lãnh tụ lịch sử Fidel Castro khởi xướng.

Chính vì vậy, La Habana cho biết hai nước sẽ không thể có quan hệ bình thường nếu Washington không xóa bỏ cuộc bao vây cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính, trả lại Cuba phần lãnh thổ hiện đang bị chiếm đóng trái phép làm căn cứ quân sự Guantanamo, dừng các đài phát thanh và truyền hình phát sóng trái phép vào lãnh thổ Cuba và ngừng hỗ trợ các chương trình chống phá và gây bất ổn nội bộ tại “hòn đảo tự do”.

Chính phủ Cuba cũng hoan nghênh những bước đi tích cực vừa qua của chính quyền Tổng thống Obama trong nỗ lực hàn gắn quan hệ hai bên, đồng thời khẳng định La Habana sẵn sàng duy trì đối thoại tôn trọng với Washington và phát triển một mối quan hệ chung sống một cách văn minh trên cơ sở tôn trọng những khác biệt giữa hai chính phủ và hợp tác trong các vấn đề cùng có lợi.

Theo TTXVN/baotintuc.vn