Mỹ có thể tự đối phó với Triều Tiên bằng cách nào?
(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng có một vài cách để Mỹ một mình giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, bao gồm việc xích lại gần hơn với nước này, áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính hoặc tấn công Bình Nhưỡng.
CNN đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố Washington sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên mà không cần sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc. Mặc dù ông Trump không tiết lộ chính xác kế hoạch là gì, nhưng giới chuyên gia đã đưa ra 3 khả năng mà Washington có thể áp dụng để ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển tên lửa và hạt nhân.
Đối thoại
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Donald Trump từng hoan nghênh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến Mỹ để đối thoại dù không cần có những nghi thức đón tiếp phô trương truyền thống.
Chuyên gia Leon Sigal, Giám đốc Dự án Hợp tác An ninh Đông Bắc Á thuộc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội tại New York, cho biết: “Cách duy nhất để giải quyết vấn đề Triều Tiên là chấp nhận tái khởi động các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp Washington xác định được liệu Bình Nhưỡng có thực sự thiện chí dừng nghiên cứu hạt nhân hay không”.
Trước đó, Triều Tiên đã khẳng định sẵn sàng đối thoại, nhưng không cam kết sẽ hoàn toàn giải trừ hạt nhân như một điều kiện để bước vào đàm phán.
Các chuyên gia cho rằng chiến lược đối thoại như vậy có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro và những động thái “khiêu khích” của Triều Tiên có thể ảnh hưởng tới những chính sách đối ngoại khác của Mỹ. Không lâu sau khi Tổng thống Trump nhậm chức và có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe, Triều Tiên đã thử một loại tên lửa mới như một động thái thị uy.
Tăng cường trừng phạt
Trong khi đó, có ý kiến cho rằng Mỹ cần siết chặt hơn nữa việc trừng phạt các ngân hàng và công ty Trung Quốc tình nghi hỗ trợ cho chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
“Tổng thống Trump cần mở đường cho phép Bộ Tài chính Mỹ điều tra các công ty và ngân hàng Trung Quốc bị tình nghi đứng đằng sau và hỗ trợ tài chính cho Bình Nhưỡng”, Anthony Ruggiero, chuyên gia tại Tổ chức bảo vệ dân chủ, bình luận.
Hồi cuối tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt với một công ty Triều Tiên và 11 cá nhân nước này với cáo buộc liên quan đến chương trình hạt nhân và vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên một số chuyên gia khác lại cho rằng việc áp đặt trừng phạt sẽ không khiến Triều Tiên giảm bớt các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa.
Chuyên gia Peter Layton từ Viện Châu Á Griffith (Australia) nhấn mạnh: “Mỹ cần thuyết phục Trung Quốc rằng việc hỗ trợ Triều Tiên sẽ khiến Trung Quốc chịu nhiều tổn thất”.
Tấn công quân sự
Trong chuyến công du châu Á đầu tiên trên cương vị ngoại trưởng Mỹ hồi tháng trước, ông Rex Tillerson khẳng định Mỹ có thể cân nhắc các hành động quân sự đối với Triều Tiên nếu nước này tiếp tục có các động thái khiêu khích.
“Tất nhiên chúng tôi không muốn xảy ra xung đột quân sự, nhưng rõ ràng nếu Triều Tiên có động thái đe dọa đến các lực lượng Hàn Quốc và Mỹ thì đó có thể là một sự đáp trả phù hợp”, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết.
Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng các động thái quân sự của Mỹ đối với Bình Nhưỡng có thể gây ra những thiệt hại nặng nề cho Hàn Quốc.
Trong các báo cáo công bố năm 2016, các chuyên gia có thể tập hợp một lực lượng có khả năng phóng 600 tên lửa hành trình và bom thông minh tấn công các mục tiêu của Triều Tiên. Những vũ khí này có thể được triển khai với máy bay ném bom B-2 và máy bay chiến đấu F-22. Tuy nhiên, cáo báo cáo cũng cảnh báo rằng Bình Nhưỡng sở hữu các bệ phóng tên lửa di động và có khả năng tấn công tới các mục tiêu ở Hàn Quốc và Nhật Bản, gây những hậu quả khôn lường.
Nhật Minh