1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ có thể điều 4 "pháo đài bay" B-52 tới sát biên giới Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ được cho là sẽ điều các máy bay ném bom chiến lược B-52 tới gần Nga trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt.

Mỹ có thể điều 4 pháo đài bay B-52 tới sát biên giới Nga - 1

Máy bay ném bom B-52 (Ảnh: Getty).

Theo truyền thông Nga, Mỹ dự định triển khai 4 máy bay ném bom chiến lược B-52 tới gần biên giới Nga. Các máy bay ném bom của Mỹ dự kiến sẽ đến châu Âu trong những ngày tới.

Các nguồn tin cho biết, các máy bay B-52 của Mỹ sẽ hạ cánh xuống một căn cứ không quân ở Anh. Các máy bay này có thể được triển khai từ căn cứ không quân Minot của Mỹ tới châu Âu.

Thông tin trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo, Mỹ và Anh đang lên kế hoạch cho các hoạt động quân sự tại Ukraine và NATO vẫn tăng cường việc triển khai quân đội ở Đông và Trung Âu.

B-52 là một trong những máy bay ném bom chủ lực của Mỹ trong nhiều năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục phục vụ trong biên chế nước này tới năm 2050. Mỹ lần đầu đưa máy bay B-52 vào biên chế từ những năm 1950.

Ban đầu, B-52 được thiết kế là máy bay ném bom tầm xa, liên lục địa. Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, máy bay này được nâng cấp đáng kể với hệ thống điện tử, cảm biến công nghệ cao và được trang bị tên lửa dẫn đường chính xác. 

Chiến sự Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 6 và cuộc đối đầu giữa 2 bên vẫn đang tiếp tục căng thẳng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ukraine tuyên bố đã cản được đà tiến của Nga với vũ khí do Mỹ và các nước phương Tây viện trợ.

Lầu Năm Góc hôm 8/8 thông báo gói viện trợ vũ khí mới nhất đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt và là gói viện trợ thứ 18 dành cho Ukraine. Gói viện trợ mới bao gồm nhiều đạn dược cho các hệ thống pháo phản lực phóng loạt (HIMARS) mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine trước đây, 1.000 tên lửa chống tăng Javelin, thuốc nổ C-4, mìn sát thương Claymore, hàng chục nghìn đạn pháo.

Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt khoảng 9,8 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1/2021, bao gồm 9 tỷ USD kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine. Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản viện trợ mới trị giá tổng cộng 40 tỷ USD cho Ukraine vào tháng 5, sau khi viện trợ 13,6 tỷ USD trước đó.

Ukraine thời gian qua đã tích cực kêu gọi phương Tây viện trợ vũ khí trong bối cảnh Nga đang áp đảo về hỏa lực. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo, Mỹ đang "kéo dài giai đoạn khó khăn của Ukraine bằng việc cung cấp vũ khí cho Kiev".

Nga nhiều lần cảnh báo sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự tới khi nào đạt được mục tiêu và các nỗ lực hỗ trợ Ukraine từ phương Tây sẽ không khiến cho Moscow bị ảnh hưởng.

Nga cũng tuyên bố sẽ coi lô vũ khí phương Tây viện trợ là mục tiêu hợp pháp của lực lượng vũ trang, đồng thời cảnh báo nguy cơ những khí tài này có thể bị tuồn ra "chợ đen", hoặc lọt vào tay các nhóm tội phạm và điều này có thể gây tổn hại tới an ninh của châu Âu cũng như thế giới.

Theo Eurasiantimes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine