Mỹ chỉ định đại sứ đầu tiên tại Myanmar sau hơn 20 năm
(Dân trí) - Ngày 17/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ định tân đại sứ đầu tiên của nước này tại Myanmar sau hơn 20 năm, bước đi đánh dấu việc khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai nước.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama nhấn mạnh việc cử ông Derek Mitchell làm đại sứ tại Myanmar sẽ là bước khởi đầu cho một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước.
Tổng thống Obama cũng tuyên bố tới đây Washington sẽ nới lỏng các hạn chế về đầu tư và xuất khẩu các dịch vụ tài chính sang Myanmar. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo chính quyền quân sự trước đây của Myanmar vẫn sẽ được duy trì.
Trước khi được bổ nhiệm, ông Derek Mitchell là Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Myanmar. Ông cũng từng tới Myanmar nhiều lần trên cương vị này.
Theo pháp định, việc đề cử ông Mitchell còn phải chờ được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.
Việc chỉ định ông Mitchell được thực hiện sau khi Mỹ tuyên bố khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Myanmar từ tháng Giêng năm nay để đáp lại những nỗ lực cải cách dân chủ vượt bậc ở Myanmar trong thời gian qua.
Tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Myanmar nhằm cho phép các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ một số hoạt động nhân đạo, tôn giáo và giáo dục tại quốc gia Đông Nam Á này.
Washington đã rút Đại sứ khỏi Myanmar sau cuộc bầu cử gây tranh cãi ở nước này năm 1990 và kể từ đó, Mỹ chỉ có một đại biện lâm thời “đóng đô” tại Yangon, thủ đô cũ của Myanmar.
Việc Mỹ cử Đại sứ trở lại Myanmar sau 22 năm là bước đi quan trọng đánh dấu việc khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai nước và cũng nhằm mở đường cho các công ty Mỹ nhanh chân tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh tại quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển và rất giàu dầu mỏ này.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) và một loạt quốc gia như Thụy Sĩ, Nauy, Canada, Australia... cũng đã đình chỉ hoặc bãi bỏ các lệnh trừng phạt đối với Myanmar. EU còn mở văn phòng đại diện tại Myanmar để hướng tới việc thiết lập phái bộ ngoại giao đầy đủ tại nước này.