Mỹ chạy đua giải mã khí cầu Trung Quốc
(Dân trí) - Các thợ lặn của hải quân Mỹ đang nỗ lực để xác định vị trí mảnh vỡ của khinh khí cầu mà Washington nghi là thiết bị do thám của Trung Quốc ở bờ biển Nam Carolina.
Ngày 4/2, Mỹ đã triển khai máy bay chiến đấu F-22 từ căn cứ không quân Langley, Virginia để bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc ở ngoài khơi Myrtle Beach, Nam Carolina. Tiêm kích Mỹ đã phóng tên lửa đối không trị giá gần 400.000 USD để bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc.
Giới chức Mỹ xác nhận khinh khí cầu bị bắn rơi cách bờ biển Mỹ khoảng 6 hải lý, trên vùng nước tương đối nông, do vậy Mỹ có khả năng khôi phục các bộ phận chính của thiết bị này trong những ngày tới.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các thợ lặn của Hải quân Mỹ đã được triển khai để xác định vị trí các mảnh vỡ từ khinh khí cầu ở khu vực cách bờ biển Nam Carolina khoảng 10km. Một quan chức quốc phòng cho biết quá trình tìm kiếm và trục vớt mảnh vỡ dự kiến sẽ mất vài ngày vì các mảnh vỡ nằm rải rác trên một khu vực rộng lớn.
Theo quan chức Mỹ, một tàu hải quân đã được điều động đến hiện trường ngay sau khi khinh khí cầu bị bắn hạ. Sau đó, các tàu hải quân và cảnh sát biển khác, được đặt trong tình trạng báo động, cũng đến vùng biển có mảnh vỡ khinh khí cầu. Ngoài các thợ lặn có kinh nghiệm của lực lượng hải quân, các tàu không người lái có thể được triển khai để trục vớt mảnh vỡ.
Đô đốc Mike Mullen, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nhận định các mảnh vỡ của khinh khí cầu Trung Quốc sẽ sớm được tìm thấy. Ông Mullen cho biết các mảnh vỡ này sẽ được các chuyên gia phân tích kỹ lưỡng.
Một quan chức Mỹ khác dự đoán quá trình trục vớt có thể chỉ mất thời gian tương đối ngắn. "Tôi không cho rằng quá trình này sẽ kéo dài hàng tuần hay hàng tháng", quan chức Mỹ nói.
Theo hai nguồn thạo tin, những mảnh vỡ của khinh khí cầu bị bắn hạ ở ngoài khơi South Carolina sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm của Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) Mỹ ở Quantico, bang Virginia, để các chuyên gia FBI và cơ quan tình báo phân tích.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ xác nhận, Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai nỗ lực hợp tác với FBI và các cơ quan phản gián để hỗ trợ "phân loại và đánh giá" khinh khí cầu này.
Lầu Năm Góc cáo buộc khinh khí cầu được Trung Quốc sử dụng trong nỗ lực do thám các địa điểm chiến lược ở lục địa Mỹ. Một số quan chức Mỹ đã bác bỏ những tuyên bố của Trung Quốc rằng, khinh khí cầu bị bắn rơi chỉ đơn giản sử dụng cho mục đích dân sự và đã vô tình xâm nhập không phận Mỹ. Họ cho rằng Trung Quốc đã sử dụng các loại khinh khí cầu do thám này trong nhiều năm và các thiết bị này đã được phát hiện ở 5 châu lục.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, khinh khí cầu bị bắn rơi chỉ là thiết bị dân sự sử dụng cho mục đích nghiên cứu, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng. Phía Trung Quốc cho biết do ảnh hưởng của gió và khả năng điều khiển hạn chế, khinh khí cầu đã đi chệch hướng dự kiến ban đầu. Bắc Kinh cũng bày tỏ bất bình và phản đối mạnh mẽ việc Mỹ sử dụng vũ lực tấn công thiết bị bay không người lái dân sự.